Ảnh: Đại Ngô
Như con thoi, khi về Mỹ, lúc
trở lại Việt Nam để hát, nhưng ca sĩ Tuấn Ngọc nhận lời gặp Đặc san Văn
hóa Phật giáo Việt Nam để trò chuyện về những điều mà như anh nói là
chưa từng chia sẻ với bất kỳ tờ báo, tạp chí nào.
Càng lớn thì càng để ý tới tâm linh
+ Thưa
anh Tuấn Ngọc, dạo này trông anh có vẻ hơi hốc hác thì phải? Đó là do
ảnh hưởng của việc mỗi tháng anh nhịn ăn định kỳ một ngày?
-Không,
lâu lâu tôi mới nhịn ăn. Vài năm nay tôi đã áp dụng chế độ này. Bên Mỹ
đây là chuyện bình thường, nhiều người họ nhịn ăn 1 – 2 ngày, chỉ uống
nước và ăn trái cây.
+ Anh có thử ăn chay chưa?
-Vâng, tôi thích lắm, nhưng đi hát, phải di chuyển nhiều nơi như hiện nay thì không tiện, nên cũng chưa ăn thường xuyên được.
+
Anh vào nghề sớm từ năm 4 tuổi, năm 13 tuổi thì chính thức bước vào
làng giải trí, rồi thành công nhanh chóng và trong suốt chặng đường ca
hát của mình đều hanh thông, nếu nói là anh rất may mắn thì có đúng
không?
-Có thể nói rằng nhiều nghệ sĩ thành công lúc trẻ, còn
tôi càng lớn thì càng thành công hơn. Với nghề ca hát thì càng trẻ tuổi
càng tốt, nhưng để theo nghề lâu dài thì có lẽ cũng không nhiều người
đạt được.
+ Hiện nay, có không ít nghệ sĩ, kể cả nghệ sĩ trẻ
thường chia sẻ về những lời dạy của những bậc hiền triết như đức Phật,
đức Chúa…Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn gần đây của mình, anh hay đề
cập tới những lời dạy của đức Phật – điều này quả thực khiến tôi ngạc
nhiên và tò mò.
-Có những lời dạy của các bậc hiền triết ảnh
hưởng tới cuộc đời riêng tư của mỗi người, nhưng ăn thua vẫn là nhân
sinh quan của mình. Mình nhìn sự vật hiện tượng như thế nào, suy nghĩ
như thế nào thì nhìn cuộc sống sẽ như thế. Càng lớn thì tôi càng để ý
tới tâm linh.
+ Người ta thường để ý tới tâm linh khi lớn
tuổi, đã trải nghiệm những suy tư trong cuộc đời, hay qua những đổ vỡ.
Anh để tâm vì có biến chuyển, biến cố gì trong chính cuộc sống cá nhân
của anh chăng?
-Không phải biến chuyển, biến cố gì, mà là cái
duyên. Khi tôi đọc một cuốn sách hay về vấn đề tâm linh thì thường làm
thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi rất thích đọc sách, nhất là về mảng tâm
linh, Phật giáo, triết học.
+ Nhưng người đời cũng thường nghĩ
là người thành công trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình được biết tới
là đầy hạnh phúc mà lại hay nói về tâm linh thì có vẻ hơi…trái khoáy?
-Thực
sự tôi không thấy trái. Hiện nay, mọi người tới đầy nhà thờ, chùa chiền
tổ chức các chương trình văn nghệ và tôi thấy ngay cả lãnh đạo tôn giáo
cũng để ý tới âm nhạc, nhiều người còn đặt nhạc nữa. Tôi là nghệ sĩ mà
để ý tới vấn đề tâm linh thì cũng là chuyện bình thường, nhất là thời
đại ngày nay có nhiều biến đổi lớn, khi người ta quan tâm tới vật chất
nhiều hơn, sống ồn ào, gấp gáp hơn.
+ Đó có phải là phần lặng của những người làm nghệ thuật mà thường được quan niệm là phù hoa?
-Thực sự thì nghệ sĩ rất cần những khoảng lặng ấy.
+Vì những lúc họ trên sân khấu thì luôn sống trong hào quang của đèn hoa, của lời tung hô của người hâm mộ, của ồn ào chăng?
-Lúc đó mình sống cho xã hội, thì rất cần những lúc lắng lại, để sống cho mình chứ.
+ Anh để tâm tới điều này lâu chưa?
-Từ lâu rồi, vì từ nhỏ tôi đã thích sống một mình. Lúc đó, tôi nghĩ mình hơi…lập dị, nhưng giờ càng lớn thì càng thích như vậy.
+
Nhiều nghệ sĩ khi nghiêng về tâm linh thì hay hát ca khúc về tâm linh,
như nhạc Phật giáo hay Thiên chúa giáo như một cách truyền tải những vấn
đề ấy tới rộng rãi hơn với mọi người?Đó có phải là một cách chia sẻ
tốt?
-Tôi lại không quan niệm như thế. Với tôi đi hát là hát nhạc tình, còn đạo là đạo, đời là đời.
+ Nhưng việc nghệ sĩ thường tham gia chương trình thiện nguyện là cần thiết chứ?
-Tôi
hoàn toàn tán thành. Chương trình đúng đắn nghiêm túc tôi cũng thích
tham gia, giống như trong cuộc đời mình giúp nhau, nương tựa nhau mà
sống. Có chương trình từ thiện mời tôi tham gia, tôi sẵn sàng hoặc
chương trình trợ giúp những nghệ sĩ lớn tuổi hết thời thì tôi cũng sẵn
lòng. Kể cả những chương trình giúp trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi tôi cũng
rất thích tham gia nhưng tới nay chưa thấy ai ngỏ lời.
+ Về đời sống tâm linh anh có chia sẻ nhiều với đồng nghiệp không?
-Quả
thực là không có nhiều cơ hội vì người nào cũng bận rộn. Bên Mỹ thì tôi
biết có một hội, nhóm ca sĩ hay tham gia những hoạt động tâm linh. Mình
theo tâm linh nhưng có nhiều đường lối, tôi vẫn thích một mình hơn.
+ Nhưng cũng có những người từ nhỏ, khi còn trẻ không để ý tới tâm linh, tôn giáo, khi lớn tuổi mới thay đổi?
-Điều
này cũng đúng một phần! Phần lớn người Việt Nam theo đạo ông bà, thờ tổ
tiên, và cũng thờ Phật, nhưng không để ý sâu sắc tới phần triết lý. Gia
đình tôi cũng thế. Nhưng với tôi, thì càng lớn tuổi càng để ý tới tâm
linh là do bản thân mình, chứ tôi không nghĩ là từ ảnh hưởng nhiều của
gia đình. Đó là do cái duyên, ăn thua là bản chất của mình hợp với lối
sống ấy.
Chấp nhận cuộc đời như nó vốn thế thì hết buồn
+
Anh cũng nhiều lần…thú nhận là mình vốn có tính bông đùa mà lại đi hát
nhạc buồn, nay lại hay nói chuyện tâm linh, điều này có vẻ như có nhiều
mâu thuẫn trong một con người?
-(Cười) Âm nhạc Việt Nam 10
bài thì 9 bài buồn rồi. Mà bài hay thì thường buồn, mình hát nhạc buồn
nhưng không nghĩ con người mình nhất định phải buồn. Tôi mong muốn đem
lại niềm vui cho khán giả. Mang cho nhau nụ cười, giúp khán giả vui vẻ
là tôi cũng vui. Nhiều khi tôi hát thay đổi nhịp điệu thì đỡ buồn. Hát
cũng vốn là giải trí, mà giải trí thì phải làm cho người ta vui chứ!
(cười).
Còn mình biết cuộc đời bản chất là buồn, buồn nhiều hơn
vui, nên không đòi hỏi nhiều. Mình vẫn vui, vẫn chấp nhận cuộc đời như
vậy, như nó vốn thế thì hết buồn.
+ Nhưng niềm vui thường
không hoặc khó giúp người ta chiêm nghiệm lối sống mà thực ra chính là
nỗi buồn. Tôi đã nghe nhiều người nói như vậy!
-Đúng vậy!
Nhưng cuộc đời có vui có buồn. Cho nên, khó có thể nói mình chiêm
nghiệm đời sống chỉ từ nỗi buồn. Mình thấy hai người yêu nhau, thấy hạnh
phúc cũng đẹp, là có thật đấy chứ và đương nhiên ai cũng mong cuộc đời
như vậy. Nếu biết suy nghĩ thì từ cả nỗi buồn hay niềm vui mình đều có
thể suy nghĩ được, chiêm nghiệm được. Ở tuổi này tôi dễ vui hơn, vì
không đòi hỏi gì. Càng đòi hỏi ít thì càng dễ vui. Nếu nói rằng cứ nhìn
cuộc sống hiện nay mà phải suy nghĩ thì suy nghĩ ghê lắm, nhất là về
Việt Nam, nhìn con người thấy thương lắm. Cứ ra đường là mình phải suy
nghĩ rồi, phải động lòng rồi, không tránh được. Nhưng với bản thân mình
thì càng đòi hỏi ít thì càng hạnh phúc. Tôi cảm ơn cuộc đời, mình được
như thế này là vui rồi.
+ Vậy bây giờ anh cũng đã lớn tuổi và
vẫn đang “Trên đỉnh mùa xuân bình yên” anh nhìn những chặng đường đời
của mình đã qua thế nào?
-Tôi thấy rằng sự hiện hữu của mình
trong cuộc đời này không đến nỗi vô ích cho lắm! Thành công thì tất
nhiên nhờ sự học hỏi của mình, nhưng nhờ khán giả rất nhiều, và yếu tố
may mắn cũng nhiều chứ. Tôi may mắn được khán giả yêu mến, còn hay hay
dở thì cũng chỉ là vấn đề tương đối mà thôi. Tôi quen nghe lời khen của
người ta nhiều nhưng không phải vì vậy mà nghĩ mình hay, tài giỏi mà là
thấy mình may mắn, vì càng học hỏi, càng hát thì càng thấy mình dốt,thật
đấy! Mình được yêu mến thì càng phải cố gắng hoài, ngày nào còn đi hát
thì còn phải cố gắng. Tôi vẫn phải học hát hàng ngày, không chỉ luyện
thanh mà phải theo dõi kỹ thuật hát trên thế giới, chẳng hạn cách ngân
ngày nay đâu có giống thời gian đầu tôi vào nghề. Mình lỗi thời là xong
ngay.
+ Cha anh – nghệ sĩ Lữ Liên, vốn là thành viên trong ban
nhạc hài hước ATV và trong nhiều lần buổi diễn khi tuổi đã cao ông cụ
vẫn pha trò rất duyên, điều này thì có lẽ anh em anh trong gia đình đều
chịu ảnh hưởng?
-Cả nhà tôi đều thích nói chuyện tếu kiểu Bắc
Kỳ, nhưng hát nhạc buồn thì mình phải diễn tả nỗi buồn, chứ chẳng lẽ
lại cười. Hiện nay tôi lại muốn sống vui vẻ. Cuộc đời buồn dễ nhưng vui
thì khó, nhất là trong thế giới ngày nay, con người càng ngày càng bon
chen. Tôi đọc tin tức hàng ngày mà thấy chóng mặt. Tôi vốn không thích
chính trị này kia, nhưng phải biết mình, biết cuộc đời như thế nào, còn
không thì vào rừng mà ở. (cười).
+ Vậy để bớt buồn, anh có định sẽ hát những bài vui hơn?
-
Mình có thể hát vui, làm điều gì đó cho cuộc đời vui hơn, mọi người vui
hơn nhưng vẫn phải là mình, sống theo tuổi hiện nay của mình (cười).
Tôi đã ngoài 60 rồi thì không thể lên nhảy nhót như ca sĩ trẻ kiểu Đàm
Vĩnh Hưng được. Với tôi nghệ sĩ phải là chính mình, dù làm gì thì làm
cũng không ngược lại với con người mình, nếu không đó chính là mầm mống
thất bại
+ Nhưng làm nghệ thuật, vốn liên quan tới nhiều
người, nhất là khán giả thì nhiều khi mình phải chiều lòng nhà tổ chức,
khán giả, phải ép bản thân không còn là mình.
-Mình coi trọng
nghệ thuật nhưng vẫn phải là mình, chú ý từ cách mặc quần áo, chọn bài
hát. May mắn là tôi đi theo những gì tôi nghĩ và được khán giả ủng hộ.
Được khán giả yêu mến thì do mình may mắn mà thôi, chứ tôi không nghĩ
mình là cái gì cả.
Luôn mong muốn mình sống làm sao có đạo đức
+ Âm nhạc với anh là lớn nhất trong cuộc đời, ngoài âm nhạc còn gì khiến anh chú ý nữa?
-Ngoài
âm nhạc thì tôi luôn nghĩ mình sống làm sao có đạo đức, cho tâm hồn
mình có đạo đức. Âm nhạc chiếm gần như toàn bộ thời gian của tôi, nhưng
không có nghĩa là nghệ sĩ thì nên sống phóng túng, mà nghệ sĩ cũng là
người làm nghệ thuật, vì thế đạo đức càng phải đặt lên trên hết. Tuy
nhiên, nói thì không dễ vì cuộc đời có nhiều cám dỗ. (Cười).
+ Nhưng nghệ sĩ vốn hay được nhìn nhận là sống phóng túng, bay bổng thì mới là chất men để say nghề, để thăng hoa?
-Tôi không nghĩ thế! Mỗi người một nghề nhưng đạo đức phải đặt lên trên hết.
+Điều đó làm anh cân bằng được khi mới ra ngoài sân khấu sáng choang, mà vài phút sau đã lùi vào phía hậu trường tối mờ?
-Đúng
rồi! Vì nếu mình không biết suy nghĩ thì khi người ta khen dễ khiến
mình mờ mắt. Thường khi nghe lời chê ai cũng buồn thảm. Nhưng mình phải
biết mình là ai, đang ở đâu.
+ Bây giờ anh trung tuổi thì dễ suy nghĩ về điều này hơn là lúc tuổi trẻ chăng?
-Chắc
chắn chứ! Người 50 – 60 tuổi sẽ suy nghĩ chín chắn hơn người 15 – 20
tuổi. Mình phải sống theo tuổi của mình chứ có nhiều nghệ sĩ lớn tuổi mà
cách sống như người trẻ. Tâm hồn mình trẻ trung, nhưng mình không thể
sống như người trẻ được, đua làm sao lại được với họ, đua quá mình lại
thành quá đà. Càng sống thì phải biết chiêm nghiệm, suy nghĩ hơn, đó là
cái lợi duy nhất của người lớn tuổi, ngoài ra không có cái lợi gì.
(cười). Có một doanh nhân nổi tiếng người Mỹ từng nói: tuổi trẻ là tuổi
vàng nhưng ít người chịu để ý, mà cứ ham trau dồi sức khỏe, bề ngoài,
nhưng cái đó ngày càng mất đi mà bên trong mình có thể làm tốt hơn thì
lại ít chú ý.
Đó là điều mà tôi rất muốn đạt được, để mỗi ngày một
tốt hơn, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, chính là sự tiến triển về
tâm hồn, đời sống tâm linh, tinh thần của phần NGƯỜi trong con người.
Con người thì càng lớn tuổi thì càng tệ, càng xuống dốc về bề ngoài
nhưng bên trong của mình phải đẹp hơn. Nay nhìn ra xã hội thì tôi thấy
người ta càng để ý tâm linh hơn đấy chứ.
Giá trị của mình phụ thuộc vào chính bản thân
+ Anh có hay đi chùa không?
-Tôi
ít lắm, vì cũng không có thời gian nhiều, mà tôi chú tâm đọc sách dạy
làm người và chiêm nghiệm bản thân, nhìn vào cuộc sống, ngay trong âm
nhạc cũng thế.
+ Nhưng trong đạo Phật nói rằng, nếu chỉ đọc, chiêm nghiệm thì mới là học giả, còn hành giả thì phải trải nghiệm?
-Đúng
vậy, vì nói thì dễ, làm thì mới khó, nhưng ít nhất thì có suy nghĩ
hướng thiện cũng giúp mình tránh được những cám dỗ, tránh những điều
không tốt. Có đọc sách vẫn hơn! Còn nếu cơ hội hành được thì quá tốt.
+ Và sự cám dỗ ấy thì mình luôn phải đối mặt trên cả chặng đường dài đúng không anh?
-Đúng
vậy! Người nào trên đời cũng có lúc lầm lỗi nhưng vấn đề là có học được
từ lỗi lầm ấy hay mỗi ngày lại chồng thêm một lỗi khác nhau? Người Mỹ
nói rằng: người điên là người không bao giờ học được từ lỗi lầm của
mình. Mình cũng là con người, có khả năng gây ra những lỗi lầm nhưng
phải chừa bỏ, chứ chẳng lẽ cứ phạm lỗi hoài? Tôi có nguyên tắc sống của
mình, và nhất là ở tuổi này thì tôi nghĩ khó có thể sa ngã.
+
Nhưng nghệ sĩ thì thường có cơ hội tiếp xúc với nhiều cám dỗ về thanh,
sắc, danh vọng và nhất là với ca sĩ nổi tiếng như anh thì có nhiều sắc
đẹp vây quanh cũng là bình thường?
-(Cười) Là nghệ sĩ thì ai
chẳng có người hâm mộ! Tuy nhiên, không phải là lời khen, bóng hồng vây
quanh khiến giá trị của mình nâng lên, còn không ai chú ý tới thì giá
trị của mình xuống thấp mà giá trị của mình phụ thuộc vào chính mình.
Điều đó cũng không có nghĩa là được nhiều người đàn bà theo đuổi thì
mình đẹp trai, duyên dáng và ngược lại thì mình bị gì gì đó. (Cười).
Người
khó tính nhất, người hay chỉ trích tôi chính là tôi. Ngay cả khi đi hát
một đêm ai cũng khen nhưng chính mình biết mình mắc lỗi thì buồn chứ.
Vì người hâm mộ có khuynh hướng dễ dàng tha thứ cho mình, nhưng mình tha
thứ cho bản thân mới khó, nhất là khi được người ta thương mến mà cảm
giác mình không làm tròn trách nhiệm.
+ Tôi để ý là dù khi hát nhạc buồn thì anh cũng thường giao lưu rất tếu và nhộn?
-Vì
tôi quan niệm không phải ca hát chỉ là nghề nghiệp mà là cả cách chia
sẻ. Tôi thích người ta nghe mình hát chứ đâu phải để mình dạy đời, và
tôi thích giao lưu.
+ “Chớ buồn gì trong giây phút chia
lìa…Chớ lịm người nghe anh sắp qua đời. Anh chỉ còn bên em chút thôi” -
cách đây không lâu, anh hát Nắng chiều rực rỡ trong đám tang của ông
nhạc anh – nhạc sĩ Phạm Duy, trước và sau khi hát anh cũng đều nói
chuyện hài hước. Đó có phải là một cách làm nguôi ngoai nỗi buồn của
chính mình và của người khác?
-Nắng chiều rực rỡ là ý nghĩ
của người đàn ông sắp qua đời, lời và nhạc đều của ông cụ viết giai đoạn
sau này, lại ít người hát, nên tôi nghĩ mình hát thì sẽ có ý nghĩa hơn.
+
Năm qua gia đình anh đón nhiều chuyện chấn động, sau sự ra đi của ca sĩ
Duy Quang – anh vợ, rồi tới cha anh – NS Lữ Liên, kế tiếp là ông nhạc –
nhạc sĩ Phạm Duy. Sự cân bằng nhiều khi nói thì rất dễ đúng không anh?
-Mình
biết là vậy nhưng mất mát quá lớn trong năm Nhâm Nhìn, năm khủng hoảng
của gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ đi nghĩ lại cả thời gian đó. Bố tôi và
nhạc sĩ Phạm Duy lớn tuổi rồi, có ra đi thì cũng là chuyện bình thường,
còn anh Duy Quang thỉ ra đi bất ngờ, sốc nhất. Mất mát thì buồn nhưng
tóm lại mình vẫn phải chấp nhận, vì cuộc đời là thế, nếu nghĩ vậy thì
mình sẽ dễ chấp nhận được. Tất nhiên, mình vẫn phải nhìn về phía trước
mà đi tới, vì cuộc sống đâu có ngừng nghỉ và để mình sống có nhiều trách
nhiệm hơn. Khủng hoảng thì vẫn phải vượt qua. Con người biết suy nghĩ
hơn thú vật khác thì mình không được buông xuôi tay trước nghịch cảnh,
mình phải thắng nghịch cảnh, thắng chính mình.
Buồn vì mất mát nhưng vẫn phải chấp nhận vì cuộc đời là như thế
+ Gần đây, trên báo chí, anh khuyên con cái là nếu lập gia đình thì cũng không nên có con? Điều này dễ khiến nhiều người sốc!
-Sốc
chứ! Tôi rất thương con, thương lắm, nhưng tôi cũng rất lo cho nó chứ.
Vì thương con nên không muốn nó có con. Nếu thêm một gia đình nghèo, con
cái đầy đàn mà nuôi không hết thì có nên có con không? Sinh con ra là
phải có trách nhiệm. Nếu đã sinh con thì mình phải sẵn sằng từ vật chất
tới tinh thần. Hồi trẻ mình cứ nghĩ lấy chồng, lấy vợ, rồi có con là
chuyện tự nhiên, ai cũng thế mà chẳng lo lắng về vật chất, tinh thần cho
con cái tươm tất, khiến cả con cái lẫn mình đều khổ, nên tôi nhìn việc
có con là khổ. Hình như có tôn giáo nào đó khi một đứa trẻ chào đời là
người ta khóc, và khi chết là họ vui mừng.
+ Có phải anh theo quan niệm cuộc sống này là cõi tạm?
-Đúng
là cõi tạm, ai cũng thế thôi. Sinh con có khi lại sinh ra cái khổ mới,
kéo mình níu chặt, trói buộc vào cuộc đời. Tôi rất ngưỡng mộ đức Phật!
Với tôi thì không có ai vĩ đại hơn đức Phật.
+ Vì có con thì hình như phần lớn người Việt Nam vẫn lo lắng từ bé tới khi nhắm mắt xuôi tay?
-Sống
ở Mỹ nhưng tôi không theo như quan niệm của xã hội Mỹ chỉ lo cho con
cái tới năm 18 tuổi là được coi là hết trách nhiệm mà đã lo là lo suốt
đời khi có con. Có con thì mình phải có trách nhiệm lớn lao với con cái,
với bản thân mình. Tôi sống theo duy tâm của tôi.
+ Đó có phải do anh ảnh hưởng nếp nghĩ của người Bắc xưa được bảo lưu trong gia đình?
-Đúng
vậy! Vì người Mỹ có những cái hay mà cũng có những cái, người Á Đông
cũng vậy. Các gì hay, đẹp, nhân bản thì mình vẫn muốn giữ, như chẳng hạn
gia đình tôi khi ăn cơm vẫn phải mời nhau. Mời mọc là một truyền thống
rất hay của người Việt Nam. Mỹ phát triển nhất thế giới vì họ tạo cơ
hội, điều kiện cho mọi người tự do nhưng cũng vì tự do quá mà người ta
sẽ đi xuống. Cái gì tự do quá cũng không tốt, mà mọi thứ nên cân bằng.
+ Cảm ơn anh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét