(*) Được bà chị thúc hối mau mau tham gia cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vì giải thưởng cao lắm, nếu viết hay sẽ có...nguy cơ đạt giải, mà nếu đạt giải thì sẽ có tiền mua tặng bác Tám cái TV và đầu DVD để bác xem chơi, nên đã cố cày.
Bài
và ảnh: Trần Thiện Tùng (Không gian đọc)
Trong
bóng chiều nhập nhoạng trên con đường đất bên dòng Hàm Luông, người đàn ông cao
tuổi, gầy gò, chỉ còn một mắt, cụt một chân, mất một tay nhưng miệng luôn nở nụ
cười hồn hậu, cứ “dạ dạ”, “yên tâm” và tìm mọi cách để đưa tôi ra tận đường cái
vì sợ người thành phố mới xuống bị lạc đường (dù tôi đã chối từ vì sợ ông vất vả)
khiến tôi vô cùng cảm động.Tham gia cách mạngkhi mới 14 – 15 tuổi làm gác đường,
nấu nướng cho các bác các chú cán bộ, bị thương tật tới 83 %, nay sống độc
thân, gia cảnh nghèo nàn, nhưng suốt hơn 30 năm qua vẫn miệt mài trợ giúp cho học
sinh nghèo địa phương khi các em tưởng phải bỏ học, nhiều em đã vào đại học, có
công ăn việc làm ổn định - đó là bác Lê Văn Ý, thường gọi là Tám Ý, 76 tuổi, ở xã
Sơn Đông, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Bác Tám Ý trong căn chòi từng ở khi xưa, bên bến đò Cây Sắn, bờ sông Hàm Luông, Tết 2012 |
Đang bon bon chạy xe trên đường nhựa êm ái nối Bến
Tre – Vĩnh Long, khi rẽ vào con đường nhựa trong xã nhỏ hẹp, đi mãi vài cây số
mà chưa tới tôi đã hơi…ngần ngại. Vậy mà đến khu ấp bác Tám Ý ở thì lại hết đường
nhựa, toàn đường đất gồ ghề, lổn nhổn gạch, chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy
tránh nhau, một bên là kênh, mương, nhìn thôi đã ngán ngẩm; hỏi mãi rồi cũng tới
được nhà bác cạnh bến đò cây Sắn, bờ sông Hàm Luông. Khi thấy căn nhà tình
nghĩa mà địa phương xây cho bác lọt thỏm giữa khu vườn, khác hẳn hình dung trước
đó của mình, tôi lại ái ngại. Qua mảnh vườn nhỏ cây trái tạp, bước vào trong
nhà thì chỉ còn cảm giác nghẹn ngào. Căn nhà nhỏ, quá sức đơn sơ, ngày Tết mà lạnh
lẽo, trong nhà chỉ có bộ bàn ghế bé nhỏ, lâu năm và chiếc giường đơn cũng xưa
cũ, ngó ra ngoài hiên thì có bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài ra không còn
gì khác. Tôi không biết nên bắt đầu câu chuyện thế nào để tự nhiên nhất, nhưng bác
Tám cứ hồn hậu cười, thành thực kể chuyện đời như bất kỳ lão nông miền Tây nào.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với mấy anh chị em, nhà
nghèo, không được ăn học đến nơi đến chốn, tham gia cách mạng từ thời kháng chiến
chống Pháp khi mới 14 – 15 tuổi, làm giao liên, nấu ăn cho các bác, các chú cán
bộ, rồi chống Mỹ, bị thương tật tới 83 %, mất một tay, một chân, một mắt. Sau
1975, chính quyền địa phương mai mối cho bác, nhưng bác Tám e ngại mình bị
thương tật nặng, lấy về chỉ làm khổ người khác, nên đành ở vậy.
Thấy trong ấp có mấy học sinh ham học nhưng nhà quá
nghèo, không có đất sản xuất, toàn đi làm thuê làm mướn, phải bỏ học, bác động
viên gắng đi học tiếp, mọi việc đã có bác cáng đáng. Bác Tám kể: “Tôi vẫn nhớ
hình ảnh Bác Hồ khi được nghe các bác, các chú hội họp kể từ năm đình chiến
1954, khi ấy tôi còn gác đường, nấu nướng. Tôi không biết có còn sống để xem đất
nước hòa bình, vì chiến tranh quá ác liệt. Nay sống trong hòa bình gần 40 năm
là vui rồi. Tôi sống không quan tâm cho mình mà phải làm điều gì có ích cho đời.
Tôi vẫn nhớ Bác dạy phải chống 3 thứ giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.
Hiện nay, dù bệnh tật thế này nhưng ráng làm theo lời Bác là giúp cho các cháu
học tập nên người. Tôi luôn nói với các cháu: đời ông Tám không được đi học nên
mới chịu dốt, nay các cháu được đến trường thì phải chịu khó học tập”.
Lập bàn thờ Bác Hồ ở ngoài hiên khi nhận nhà tình
nghĩa vào năm 2010, bởi “là người sống sót trong chiến tranh, còn sống là chiến
sĩ cụ Hồ, chết là liệt sĩ của cụ Hồ”; buổi chiều hàng ngày, bác Tám vẫn hương
khói, lễ Tết thì có thêm bánh hoa trái. “Tôi luôn khấn nguyện Bác và vong linh
ông bà tổ tiên, vong linh đồng đội chiến sĩ ở khu vực xã Sơn Đông rằng: quí vị
đã quên cả mạng sống của mình, đất nước nay thống nhất, nguyện cầu cho mọi người
yên vui ở thế giới bên kia, để cùng nhìn đất nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp
như lời bác Hồ chúc Tết mùa Xuân 1969 qua đài phát thanh: thắng giặc Mỹ ta xây
dựng đất nước to đẹp hơn”.
Thế nhưng, khi giang tay giúp đỡ người nghèo khó
cũng phải tìm cách. “Tôi nói với các gia đình khó khăn rằng: khó khăn chỉ là nhất
thời, đừng bỏ học, ráng cho con đi học, chứ khi có cơm ăn rồi thì con đâu còn
đi học được nữa”. – bác Tám kể. Khi họ lý sự tiếp rằng: người ta xách thùng để
lượm lúa chứ đâu xách thùng lượm chữ, bác lại ân cần bảo: thời nay đòi hỏi
trình độ, văn hóa, muốn có lúa thì phải đi học.
Bác Tám Ý với bộ quần áo khi bỏ nhà ra đi, nay vẫn được bác giữ gìn dưới gối |
Tiền hoa lợi từ ruộng vườn, từ tiền trợ cấp thương
binh bác dồn cho các em. Một em được bác giúp đỡ, rồi hai em, và dần dần đông
hơn. Nhiều người bảo bác bị điên, vì tiền của mình không lo cho bản thân, lại
đi lo chuyện thiên hạ, thậm chí người trong ấp còn chê bác không bằng con gà,
vì con gà còn biết bới thóc, bới giun, sau còn cho thịt, chứ bác chả được tích
sự gì. Nặng nhất là một số anh chị em trong gia đình suốt ngày cằn nhằn, mắng
nhiếc. Mãi rồi không chịu nổi, bác để lại toàn bộ mấy công đất hương hỏa với
hàng trăm gốc cây cảnh – mà thời điểm đầu những năm 1990, có một số người đã trả
giá tới hàng cây vàng – để ra đi với một bộ quần áo. Bộ quần áo ấy nay đã bạc
màu cũng như căn lều vài mét vuông gió lộng bốn bề bên bờ sông Hàm Luông – trước
cửa nhà tình nghĩa, bác vẫn giữ, để khi nhắc về nó, bác cười rổn rảng và bảo:
“mấy ông anh, bà chị cũng nghĩ lại, xin lỗi tôi rồi. Trước đây khi tham gia
cách mạng đã giơ cánh tay lên thề chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, nay mình còn
thở thì chẳng lẽ buông xuôi? Trong chiến tranh phải hết lòng chiến đấu, còn
trong thời bình thì phải làm việc có ích cho xã hội.”
Cắm căn lều bên bờ sông Hàm Luông, gần bến đò cây Sắn,
bác vẫn trích tiền đi làm thuê, tiền trợ cấp thương binh để hỗ trợ trẻ em nghèo
được đi học, “miễn sao tụi nhỏ không phải bỏ học”. Vào đầu năm học mới,bọn trẻ
nhập học đồng loạt nên tốn kém lắm, nhiều khi lương thương binh và trợ cấp chưa
về, bác phải đi vay mượn để đóng tiền. Từ 1975 – 2002, bác vẫn còn 2,7 công vườn
dừa và vườn hoa kiểng thu lợi, nhưng sau đợt anh em gia đình phản đối và xỉ vả
việc “vác tù và hàng tổng”, bác đã bỏ lại, ra đi với hai bàn tay trắng. Có lúc
nợ gần 10 triệu đồng vay nóng của láng giềng để đóng học cho bọn trẻ, bác bảo:
khi mất sẽ hiến xác cho khoa học, tiền mai táng phí được gần 10 triệu lấy trả
cho mọi người.
Nhớ lại thuở ban đầu lo cho các em đi học, bác khoe:
“Lúc đầu tôi nuôi 8 tờ vé số, trúng 5 tờ”. Thấy tôi ngước mắt ngạc nhiên, bác
cười ha hả, bảo: “đó là 8 em học sinh thì có 5 em tốt nghiệp cấp 3, coi như tôi
trúng lô nhỏ, trúng lô lớn là hai cháu Long và Ẩn đỗ đại học, còn trúng giải độc
đắc là cháu Nguyễn Văn Tài, nghe lời khuyên của tôi đã ở lại làm giảng viên tại
trường ĐH Cần Thơ, được du học thạc sĩ ở Hàn Quốc, ở vị trí đó vài chục năm thì
đào tạo bao nhiêu sinh viên giỏi cho đời”.
Hiện tại, đã có hàng chục học sinh nghèo trong xã
Sơn Đông và các xã lân cận được bác hỗ trợ tới trường, trong đó có nhiều em đã
tốt nghiệp đại học, đi làm, có em du học thạc sĩ tại Hàn Quốc… Anh Bùi Minh
Long, gia đình khó khăn, tính bỏ học, được bác Tám động viên đã tiếp tục tới
trường, sau tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TPHCM và hiện làm trưởng chi nhánh
Ngân hàng Việt Á tại khu vực Dĩ An, tỉnh Bình Dương, kể: Cậu Tám như cha nuôi của
tôi, công ơn của cậu nói 1 – 2 câu không thể diễn tả đầy đủ, mà chỉ biết khắc cốt
ghi tâm. Còn ông Trương Thanh Cảnh, 84 tuổi, chủ tịch Hội Khuyến học xã Hương Mỹ,
huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre – một người bạn mới quen của bác Tám thì luôn miệng
nói: sao thời buổi này vẫn còn một con người hồn hậu như thế, tốt như thế!
Bác Tám Ý và anh Bùi Minh Long, người đã được bác hỗ trợ học phí khi định bỏ học, nay anh Long là giám đốc chi nhánh NH Việt Á tại Dĩ An, Bình Dương. Tết 2012 |
Nay người ta ào tới xin bác nhận hỗ trợ nhiều khi chỉ
để lấy tiếng, lấy may cho con cháu mình để đỗ đạt cao. Một số người thân trong
gia đình bác đã nghĩ lại, hối hận. Tới khi chính quyền huyện biết được việc
nghĩa của bác, tạo điều kiện xây nhà tình nghĩa nhưng bác từ chối, bởi “chỉ sống
một mình, không cần thiết, trong khi có nhiều gia đình chính sách khác cần
hơn”. Chính quyền huyện, xã phải vận động tới lần thứ ba bác mới chịu nhận.
Bác khoe với tôi, năm 2014 này có hai cháu được bác
hỗ trợ đã đỗ đại học là Nguyễn Thị Ngọc Ngân học trường ĐH chuyên ngành chế biến
thực phẩm tại TPHCM, và Phạm Thị Ngọc Hân, học ngành Y ở trường ĐH Cần Thơ. Bác
vẫn nhớ vanh vách tên học sinh nào, học ở đâu, gia cảnh ra sao mà không cần sổ
sách. Tổng số học sinh, sinh viên hiện nay mà bác Tám hỗ trợ là 20 em, trong đó
có hai em học lớp 10, hai em học đại học, còn lại là các em học mẫu giáo, cấp 1
và cấp 2. Bác thật thà kể: Nhiều khi tôi sợ
chia không đủ, vì nay chỉ còn tiền thương binh và tiền người có công với
cách mạng được gần 6 triệu đồng. Nhu cầu của tôi chỉ ngày hai bữa, đồ ăn thì
kho trứng vịt, hay luộc trứng vịt dầm với nước mắm chấm rau trong vườn nhà là
xong. 9 – 10 h một bữa, 3 h chiều bữa nữa là xong, mỗi bữa hơn 2 bát cơm thôi”.
Năm 2013, đi Hà Nội tham gia đại hội tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu
toàn quốc, trong nhà không còn bộ quần áo mới nào tươm tất, nghe các cháu kể
thì đoàn Bến Tre mới may thêm cho hai bộ đồ mới – chuyện này bác cũng không giấu,
rồi bảo: “tôi nói vậy anh đừng cười nghe. Tôi lo cho mấy chục cháu như vậy thì
đâu còn dư dả mà lo cho mình”. Được nghe bác kể chuyện bằng giọng điệu chân thật
, và hào hứng, có lẽ sẽ khiến người ta cảm động chứ không phải là cảm giác “chịu
trận” đang nghe kể công.
Lúc về, đang chở bác trên xe (khi bác tìm cách đưa
tôi ra tận đường lớn - dù đã từ chối vì không muốn làm bác vất vả, trời lại sắp
tối), tôi hỏi: bác có buồn không khi trước đây chính anh em, gia đình không hiểu,
mạt sát thì bác bảo: buồn làm gì, nếu trong chiến tranh mình chết rồi thì buồn ở
đâu và vì người ta thường nói rằng đây là thế gian, chứ có phải thế thiệt đâu. Tôi
lặng đi, không còn biết nói gì, quả thật nếu dừng xe được thì xuống xe lạy bác
mới đáng. Trước khi tới gặp bác, tôi đã chuẩn bị một số câu chuyện để chia sẻ, hy
vọng bác sẽ vơi bớt nỗi buồn. Nhưng khi nghe bác nói vậy, bao nhiêu ưu tư trong
tôi được trút sạch.
Và mới đây, căn nhà nhỏ bên bờ Hàm Luông của bác Tám
lại trở thành cầu nối để những cuốn sách hay, phù hợp mà bác được một số bạn trẻ
ở xa tặng, như: Khuyến học, Đi dọc dòng sông Phật giáo, Tuổi thơ dữ dội…đến với
nhiều học sinh, giáo viên, người dân trong xóm ấp…/.
Chút quà Tết (sách và tiền mừng tuổi, mừng thọ) bác Tám Ý của Không gian đọc, Tết 2012 |
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa