Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Chuyên gia kinh tế, ông cố vấn Bùi Kiến Thành: Tài năng không phải để phục vụ triều đại mà là phục vụ nhân dân (*)

(*) Thỉnh thoảng viết nhăng cuội tí! Bài đăng trên đặc san Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Post bài này vì đặc san Văn hóa Phật Giáo (của Ban Văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã tạm dừng sau mấy năm hoạt động, bươn chải! :-(. Đây là số cuối cùng do một số thầy mà mình quen biết thực hiện! :-(. Mua một số cuốn để biếu, tặng bác Bùi Kiến Thành và một số người liên quan, đã hỗ trợ thực hiện bài phỏng vấn này, cũng như một số người thân quen! Thấy kể là một GS, trí thức lớn mà mình kính trọng biết tin thì bảo: buồn quá! Còn mình thì: Buồn!





Là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về tài chính - ngân hàng tại Mỹ; là một trong những khai quốc công thần của chính thể Việt Nam Cộng hòa đệ nhất (bạn vong niên đồng thời là trợ lý đặc biệt cho tổng thống Ngô Đình Diệm, trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam 1954 - 1956, đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York, khi mới 24 tuổi - người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện Ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ từ 1956 - 1958); sau chính biến đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm 1963, Bùi Kiến Thành bị tù giam hơn 1 năm, được ân xá, rồi được chư tôn đức như: thầy Trí Quang, thầy Quảng Liên, thầy Thiện Hoa…che chở tại tổ đình Ấn Quang, sau tỵ nạn chính trị ở Pháp. Ông cũng từng là giám đốc, quản lý khu vực, tư vấn cấp cao của những tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ như: AIA, AIG…Từ cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, nhận lời mời của một số lãnh đạo cao cấp Việt Nam, ông tư vấn phát triển đất nước, góp phần cho công cuộc Đổi Mới, và chính thức quay về Việt Nam từ đầu những năm 1990 xây dựng chính sách phát triển các doanh nghiệp lớn cho phát triển đầu tư và hội nhập quốc tế cũng như kêu gọi các tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam; xây dựng chính sách đối với Việt kiều (1991 – 2003); tư vấn về luật pháp biển quốc tế, vấn đề biên giới biển từ 1991 – 1995, nhằm bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí trên biển Đông; làm cầu nối bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, tư vấn cho chính phủ về an ninh trên biển Đông và diễn đàn an ninh khu vực... Ông được vinh danh trong chương trình Vinh danh nước Việt năm 2004, do có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.Ông mở lòng với Văn hóa Phật giáo Việt Nam nhân dịp ra mắt cuốn sách Bùi Kiến Thành người mở khóa lãng du do tác giả Lê Xuân Khoa chắp bút.
Lệ thuộc nước ngoài, đi ngược lại chính nghĩa của dân tộc thì sẽ đổ vỡ
+ Thưa ông cố vấn Bùi Kiến Thành, với những công việc và khối lượng công việc mà ông đã làm cho cả hai chính thể từ giữa thập niên 1950 tới nay, phải gọi ông là ông cố vấn mới đúng! - (Cười): Tôi không dám nhận, tôi chỉ là một chuyên gia kinh tế thôi! + Dạ vâng, với một nhân vật như ông thì có lẽ người đọc chờ đợi cuốn hồi ký đầy đặn hơn thay vì cuốn tự truyện Bùi Kiến Thành người mở khóa lãng du do tác giả Lê Xuân Khoa chắp bút, chỉ gần 300 trang?
-Trong một cuốn sách không thể nói hết những gì có thể nói hoặc cần thiết phải nói, cho nên trong cuốn đầu tiên có thể mình chỉ gửi gắm cho độc giả một số câu chuyện gì đó mà thôi. Còn nhiều câu chuyện khác, qua thời gian nào đấy gặp cơ duyên người viết quan tâm thì tôi sẽ kể chuyện tiếp, sẽ mang lại ích lợi cho người đọc, có lẽ là cuốn sách thứ hai, thứ ba.
+ Nhưng tại sao không phải là ông viết?
-Tôi viết thì chiếm nhiều thời gian mà ý tưởng của mình lại nhanh hơn viết. Tôi thường ghi âm lại rồi có người phiên tả. Có thể người nào đó chép lại file ghi âm lại thích hợp hơn là tôi làm. Lúc trước tôi có nhiều thời gian, ngồi đánh máy suốt đêm thì có thể lột tả tư tưởng của mình. Ngay cả những nhân vật trên thế giới viết hồi ký nhiều khi thực ra cũng không phải tự bản thân họ viết mà chỉ kể lại cho người khác chắp bút thôi.
Hơn nữa, đặt chữ tôi lớn làm gì, ăn thua là câu chuyện như thế nào để người đọc tiếp nhận, hơn là tự mình viết, nó gò bó, không thoáng bằng.
+ Nhưng thưa ông, ở vị trí một người như ông – được xem là khai quốc công thần của chế độ Việt Nam Cộng hòa đệ nhất, người thân tín của tổng thống Ngô Đình Diệm –một chứng nhân lịch sử quan trọng - mà trong tự truyện nếu không nói hết thì liệu một nửa sự thật có được xem là sự thật? -Nói hết thì nói như thế nào? Có những việc ngày nay hồi ức, cảm xúc không còn nguyên vẹn, tôi cũng không có tài liệu lưu trữ. Tôi chỉ kể chuyện lại những việc mà mình trực tiếp tham gia, biết gì trong câu chuyện ấy. Đó là hồi ký, tự truyện chứ không phải là tài liệu lịch sử tuy có nói về những sự kiện lịch sử vì dù sao tôi vẫn đứng ở góc độ, nhận xét cá nhân hơn tư cách người viết sử khách quan.
+ Nhân nói tới vai trò chứng nhân lịch sử đồng thời là người người góp phần kiến tạo chính thể Việt Nam Cộng Hòa đệ nhất và là bạn vong niên của tổng thống Ngô Đình Diệm thì khi những tâm huyết, lao lực của mình đổ vỡ thì cảm giác ông như thế nào?Trong cuốn sách của mình ông cũng nhắc nhiều tới sự tiếc nuối!
-Tôi đã ước đoán sự đổ vỡ vì hạ tầng kiến trúc Việt Nam Cộng Hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm còn yếu kém. Nó đổ vỡ không khiến tôi ngạc nhiên. Cộng với chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải chống lại chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có sự tranh chấp ý thức hệ cũng như quyền lực. Xảy ra việc mình có lý tưởng hoặc công tâm như thế nào thì dù tổ chức kém, mình vẫn thua. Sự thắng thế của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với Việt Nam Cộng Hòa là về vấn đề tổ chức. Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức rất giỏi, cuối cùng đã thắng thế vì họ mạnh hơn, qui củ hơn, chứ không hẳn là thắng thế về ý thức hệ.
Việt Nam Cộng Hòa lại lệ thuộc vào Mỹ, khi chính sách đi ngược lại chính nghĩa của một chính phủ độc lập, đối với nước ngoài mình không chủ động, với trong nước thì nhiều chủ trương, chính sách không được áp dụng. Thất bại của ông Ngô Đình Diệm là bị nước ngoài tiêu diệt không còn cơ hội thực hiện hoài bão đường lối.
+ Ông hay nhắc tới lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Phải chăng điều này được bắt nguồn từ việc ngay từ nhỏ ông đã được được ông nội, ông ngoại là những điền chủ, nhà Nho yêu nước rèn cặp?
-Tôi tiếp nhận điều đó từ cuộc sống quê dân dã của mình. Ra đồng thấy người ta cày sâu cuốc bẫm thì cảm thông, làm hạt gạo cho mình được ăn thì cảm thông.
Ông ngoại kể chuyện lịch sử “Phen này cắt tóc đi tu. Tụng kinh Độc Lập, ở chùa Duy Tân”, ông nội dẫn đi xem đồng áng, cho thấy cuộc sống khó khăn như thế nào Điều đó tạo ấn tượng về ơn sâu nghĩa nặng của những người nuôi sống mình từ khi mới sinh ra đến ơn cả những hạt cơm hạt gạo. Ơn sâu nghĩa nặng như thế thì mình phải đóng góp trong xã hội như thế nào?
+ Đề cập tới chuyên ngành của ông – ngành ngân hàng và kinh tế phát triển thì dường như thời gian gần đây ông có rất nhiều trăn trở về sự vận hành của ngành ngân hàng Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam?
-Vấn đề ngân hàng là tiền tệ, nguồn tài chính. Một doanh nghiệp muốn phát triển phải có nguồn tài chính, một nền kinh tế cũng thế. Hệ thống ngân hàng phải cung cấp cho nền kinh tế như trái tim bơm máu vào thân thể, phải đúng nhịp, đúng huyết áp thì thân thể khỏe mạnh; cứ huyết áp cao, huyết áp thấp thì kinh tế Việt Nam sẽ suy yếu. Lãi suất ổn định, hợp lý để tổ chức doanh nghiệp, tư nhân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển đó là việc nhà nước phải làm. Hệ thống ngân hàng vì lợi ích cá nhân người chủ nhiều hơn làm cho nền kinh tế, cơ quan quản lý không làm hết trách nhiệm, chất lượng hệ thống ngân hàng có vấn đề vì phải chăng mình không có kinh nghiệm quản lý ngân hàng trung ương, chưa học nghiệp vụ ngân hàng trung ương mà chỉ biết nghiệp vụ ngân hàng nhà nước? Nó liên quan tới vận mạng đât nước. Muốn Việt Nam phát triển đi lên phải có hệ thống ngân hàng phục vụ sự phát triển. Trăn trở của tôi là có hệ thống ngân hàng phục vụ doanh nghiệp, phục vụ cho phát triển.
Chưa làm gì nhiều mà đã than thở thì không phải cách của người hiểu đạo.
+ Là người sinh trưởng trong gia đình giàu có, được tạo điều kiện học hành và cảm giác luôn hanh thông, thuận lợi cũng như đạt những vị trí, danh vọng lớn khi tuổi đời còn rất trẻ, sau chính biến của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đệ nhất, ông lại bị giam giữ hơn một năm; nhưng chính trong thời gian ở tù, tình cờ tiếp xúc với Phật pháp qua Kinh Kim Cương và Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh khiến ông chấn động tinh thần. Phật pháp có ảnh hưởng tới ông từ đó như thế nào?
-Khi mình còn trẻ đương lao mình vào công việc của đất nước, chính trị thì không có thời gian thật sự học hỏi đạo lý. Khi hoạt động kinh doanh thì cũng trong cấp cao nhất nên tôi cũng không có thời gian. Lúc tôi bị nhốt trong tù 15 tháng, không phải làm gì, đó cũng là cơ hội lớn cho cuộc đời được tiếp nhận Phật pháp, thấm nhuần. Từ khi mình học hỏi, thấm nhuần đạo lý đạo pháp thì tầm nhìn với công việc lại khác, vì có đường lối cho mình hành xử trong cuộc đời ở mọi lĩnh vực. Dù có hoạt động gì cũng không phải tư lợi của mình mà theo tinh thần Bát Chánh Đạo, “phàm sở hữu tướng giai thi hư vọng”.
Mình phải bao dung với xung quanh, thể hiện tinh thần bố thí trì giới. Biết đạo, hiểu đạo thì hành xử như thế nào để tránh mọi xung đột vì tư lợi cá nhân mà đụng chạm, có thể khiến mình đi tới thất bại mà thất bại cũng không đáng ngại vì đã cố gắng hết sức, người xưa có câu “tận nhân lực tri thiên mạng”. Chứ chưa làm gì nhiều mà đã ngồi than thở thì không phải đường lối của người hiểu đạo.
+ Hồi nhỏ ông học Nho giáo với ông nội, ông ngoại, lớn lên học trường dòng, sau lại đến với Phật pháp. Đó hình như là thiện duyên của ông?
-Tất cả là nhân duyên. Và tôi không loại bỏ cái gì. Ở nhà dòng tôi cố gắng tìm hiểu chân lý. Trong Kinh thánh kể những câu chuyện có tính chất bắt buộc nhưng mình cố gắng tìm hiểu chân lý là gì và tìm hiểu tinh thần từ bi bác ác của Thiên Chúa giáo ra sao? Đạo là tốt nhưng có những lúc người hành đạo có vấn đề, đó là vấn đề mà đạo Thiên Chúa gặp những sự cố trong lịch sử. Với Phật giáo thì lại khác. Tôi nghe một người bạn tù đọc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh thì chưa hiểu nhưng cảm thấy rất hay, âm thanh đi vào trong tâm rất đặc biệt, rồi tìm hiểu qua cuốn Kim Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật của Đoàn Trung Còn. Tôi rất tâm đắc, cảm thấy rất diệu huyền, nhập tâm rất nhiều, vì cuốn đó ông Đoàn Trung Còn chú thích rất tốt.
Rõ ràng, tôi có cơ duyên thì mới nắm được cuốn sách tâm đắc để dễ tiếp nhận Phật pháp. Nhưng mình cũng phải có tư tưởng cởi mở để tiếp nhận nhiều thứ khác. Tìm hiểu được lý, đạo trong đó. Ngoài Phật pháp thì có nhiều pháp khác, như: Lão tử có Đạo đức kinh như thế nào, Trang Tử có Nam Hoa kinh ra sao. Tư tưởng Việt Nam thì Tam giáo đồng nguyên cho mình cái sự nhìn toàn diện hơn, mình không kỳ thị gì, sẵn sàng chấp nhận cái gì nhập tâm mình.
Đạo Đức kinh nói “Tri thường dung” nên mình biết cái gì thường còn bất di bất dịch và cái gì không thường còn để biết trong trời đất này, nguyên lý ra sao thì con người phải biết bao dung tất cả. Điều này dẫn tới việc nhận xét sự việc ở đời phải công bằng, “vương nãi thiên, thiên nãi đạo”. Ban đầu nhận thức của mình “tri thường” thì tới “dung”. Với đạo Phật là Lục độ Ba la mật, vô thường; còn Lão Tử thì nói cả thiên nhân đồng thể. Tôi cố gắng học những gì tiền nhân để lại, mỗi nơi tiếp nhận một chút. Đặc biệt có tập kinh rất ngắn có hai câu đầu tôi rất tâm đắc của đạo tiên, tương truyền ra đời cách đây 4000 năm ở Trung Quốc, đó là Âm phù kinh, có hai câu gom tất cả đánh giá về thế giới là “Quán thiên chi đạo. Chấp thiên chi hành. Tận hỷ” (xem xét đạo trời, làm theo sự vận hành của trời, vậy là biết hết). Mình phải quán triệt nguyên lý của đạo, trời đất, khi mình quán triệt cả nguyên lý đạo trời đất – nó là tiên thiên, hậu thiên, mà không phải chỉ ghi nhận ở góc độ tôn giáo, thì…chỉ có thế thôi. (cười).
+ Nhưng thưa ông, làm sao mà... biết được?
-Tất cả chuyện mình cảm nhận qua cái tâm đạo của mình. Tâm mình luôn như mặt trời, nếu có mây thì chỉ là vấn đề nhất thời, còn mặt trời thì luôn luôn sáng.
+ Con người ai cũng muốn thành đạt, hanh thông mọi thứ, và có lẽ vì vậy người ta luôn muốn vươn ra ngoài, nhìn ra ngoài, không có khoảng lặng cần thiết để ngẫm nghĩ nhìn vào trong bản thân mình. Thời gian ông ở trong tù hơn một năm tiếp xúc với Phật pháp là cơ duyên để ông nhìn sâu vào tâm mình? Nhưng làm sao để có thể nhìn sâu vào bên trong mình khi ai cũng muốn nhào ra bên ngoài với ồn ào, danh lợi?
-Thì đó là vấn đề hoằng pháp của đạo. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, đều lao vào kinh tế giải quyết dân sinh. Mình không phủ nhận, nhưng lao vào quá thì quên đạo đức của mình, hại nhân sinh. Phát triển kinh tế, làm giàu kiểu bỏ bao nhiêu hóa chất, thuốc độc đồ ăn, đều do lòng tham tạo ra, nhưng nếu mình hiểu đạo thì không làm. Quay lại vấn đề hoằng pháp phải tạo điều kiện tiếp cận phần tử năng động xây dựng kinh tế để người ta biết đạo lý là gì. Nhưng không thể ép buộc người ta được, khi họ đã làm 17 – 18h/ngày.
Nhưng ví dụ Nhật có thiền viện cuối tuần, khi vào cửa phải bỏ lại complete, mặc đồ thiền vào tọa thiền, tắm nước lạnh. Nếu mình tổ chức được để người lãnh đạo hoạt động kinh tế có nơi xả, buông bơi làm lắng lại đầu óc cuối tuần như vậy thì quá tốt. Đầu óc lắng tịnh thì sẽ có năng lực cực kỳ đặc biệt để làm việc tiếp tuần mới hiệu quả. Ở Mỹ cũng có các computer camp là nơi lắng dịu đầu óc, để trí huệ bừng sáng. Họ có phương pháp khoa học, có thể phổ biến.
Trong cuộc sống hàng ngày đầu óc “tâm viên ý mã” như đài thu hình, thu tiếng bị nhiễu thì không tiếp nhận đầy đủ chính xác luồng tin mà cả trời đất này có không biết bao nhiêu cái phát ra, trong đó có nhiều vị thánh, Phật. Nếu biết thiền, giải thoát được nhiễu như đài vặn đúng tần số thì có thể tiếp nhận của những điều thiêng liêng ấy.
Tài năng không phải để phục vụ triều đại, chế độ mà phục vụ nhân dân.
+ Khi nhận được lời mời góp ý, tư vấn cho Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam từ đầu thập kỷ 1980, có nhiều ý kiến chống đối ông dữ dội? Nhưng bản thân ông đã vượt qua chính mình như thế nào?
-Khi trẻ thì như có luồng sáng về sứ mạng linh thiêng vụt qua đầu óc mà năm 5 – 6 tuổi tôi đã cảm nhận được rồi. Sau ra đời cạnh tranh thì tôi cũng phải cân nhắc cạnh tranh hợp pháp hoặc không hợp pháp , nhưng thấy đi quá giới hạn thì không nên làm. Sau này hiểu lý đạo, tất cả việc mình làm có lợi ích riêng thì sẽ dẫn đến lợi ích chung như thế nào? Từ đó, mình hoạt động không phải vì lợi ích riêng hay lợi ích nhóm mà vì lợi ích chung. Khi chính thể Cộng Sản là ý thức hệ có thiếu sót mà mình không tán đồng nhưng vì hành động của mình không phụ thuộc ý thức hệ mà vì dân, vì dân tộc nên làm thôi. Nếu đến với tôi không phải giải quyết vấn đề đó để củng cố quyền lực cho Đảng Cộng sản Việt Nam mà giải quyết cho nhân dân làm kinh tế, ấm no hạnh phúc, thì tôi không ngần ngại làm. Tôi thoải mái làm, nên không đặt vấn đề cộng sản hay không cộng sản, thù địch hay không thù địch mà vì nhân dân.
Mình biết lý của đạo như ánh chớp, như sương mai, như bọt nước…“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” thì có ngày vàng bạc châu báu, rồi cả trời đất là vàng bạc châu báu. Quan trọng là đời sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào mình chưa hoàn chỉnh dưới chế độ này.
+ Trong quá trình bắc cầu nối, làm cố vấn cho Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam từ đầu những năm 1980 tới nay, mặc dù bản thân ông có động lực rất lớn để vượt qua trở ngại, đặc biệt là ý thức hệ nhưng có khi nào, có chuyện gì rất khó để vượt qua?
-Tôi không thấy cái gì khó vì không đặt vấn đề khó hay không, vì tư vấn đặt ra chủ trương, chứ không thực hành, việc tiến hành do chính quyền.
Cái khó của mình là làm sao người ta hiểu. Nếu người ta đến với mình, cần mình thì đem hết sức cống hiến. Còn vì lý do gì mà không thực hiện được có thể thời điểm này chưa chín muồi hoặc do vấn đề nội bộ của họ, làm hay không làm thì mình không việc gì phải uất ức buồn phiền, cứ thẳng thắn cởi mở như tôi đã viết trong tạp chí Xây dựng Đảng về những gì sai trái. Việc làm hay không làm thì không phải của tôi nên không có gì uất ức. Trách nhiệm của mình là đưa ra đường lối chủ trương, là quân sư thôi.
+ Ông làm tôi nhớ tới việc xuất, xử của kẻ sĩ ngày xưa?
-Vì dân tộc thì mình làm nhưng không hại dân tộc khác. Mình thấy giới hạn, mình có thể đóng góp thì làm. Còn khi “Thượng bất chính hạ tắc loạn” cả triều đại như thế một mình mình không thể xoay chuyển, chỉ biết cố gắng hết mình. Xã hội đang hưng vong hay mạt vận thì không phải do một người. Đêm tối thì làm sao làm cho sáng được, phải chờ trời sáng chứ. Xã hội mạt thì sẽ hưng, hưng vong là lẽ thường của xã hội.
+ Nhưng Khổng Minh dù biết là nhà Hán đã mạt, vậy mà khi Lưu Bị 3 lần tới lều cỏ mời thì cảm cái ân vẫn xuất thế?
-Theo mình đọc Tam Quốc thì Khổng Minh không muốn phò Lưu Bị vì biết nhà Hán mạt vận, nhưng ông không muốn cầu an và thấy minh chủ cần mình. Kẻ sĩ ai chả mong có minh chủ đến với mình để đất nước hưng thịnh lên. Tuy nhiên, Khổng Minh trong lều tranh cũng không biết được, chỉ biết khi Lưu Bị mạt vận. Lưu Bị tam cố thảo lưu, đó là cái nghĩa của con người có nghĩa khí lễ độ cầu kiến vì đó Khổng Minh mới ra giúp. Dù chuyện không tới đâu và nhưng vẫn ra làm hết sức, tôi thấy đó là tinh thần kẻ sĩ tôn trọng cái tình của người đến với mình. Gia Cát Lượng còn nhiều chuyện để nói nhưng vấn đề là kẻ sĩ không gặp thời.
+ Trong lịch sử cổ đại Việt Nam, những việc như Chu Văn An dâng sớ chém nịnh thần không được vua phê chuẩn, đã cáo quan về, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, còn Nguyễn Trãi hăm hở quay lại chốn quan trường những mong chấn chỉnh rường mối thì lại gặp họa lớn bị tru di ba họ, tài như Lê Quý Đôn dâng các phương sách nhưng vẫn không được áp dụng, còn Nguyễn Thiếp được Quang Trung tới cầu 3 lần rồi cũng ra. Vậy thì đâu là yếm thế? Đâu là cái biết? Nếu đã biết mà vẫn làm thì ông nghĩ thế nào?
-Có thể kẻ sĩ không xoay chuyển bánh xe vận mệnh nhưng trong tình hình nào đó sẽ làm cho nhân dân bớt bi đát hơn. Đừng đặt cái ta như thế nào khôi phục nhà Hán, phò chúa nọ chúa kia. Tài năng không phải để phục vụ triều đại mà phục vụ nhân dân, tại vì ẩn sĩ chỉ cắt lá chăm hoa, sẽ mai một tài năng. Vì chính trị là phải có kỳ vọng và có thể kỳ vọng của mình không bao giờ đạt vì…nó như thế. Nhưng có thể làm được điều gì cho nhân dân, chúng sinh thì làm thôi.
Tư tưởng yếm thế thì không nên. Đã nhận thức trách nhiệm với nhân dân, đất nước là gì thì vấn đề không phải là phò tá triều đại; làm tôi cho triều đại, thể chế là khác, làm tôi cho nhân dân là khác. “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan nhưng vẫn an dân giúp nước trong phạm vi có thể. Lê Quý Đôn cố gắng tập nhân lực nhưng thiên mạng không có, không có minh chủ thực hiện thì mai một tài lực.
Khi ăn bát cơm thì thấy trên bàn ăn có hàng trăm hàng nghìn người lao động
+ Nói về nhân duyên của ông với Phật pháp thì sau này ông còn hỗ trợ rất lớn cho chùa Từ Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nuôi hàng chục trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi hơn 20 năm qua?
-Tôi không giúp nhiều cho chùa Từ Ân, chỉ có giới hạn thôi. Nhân duyên là khi sư cô Minh Hải đi học tôi có duyên gặp giúp một phần nào phương tiện đi học. Sư cô có hai người em trai xuất gia. Từ đó cô Minh Hải hoằng pháp xây dựng chùa Từ Ân và cô nhi viện, đó là công đức của cô Minh Hải. Tôi chỉ đưa một số bạn nước ngoài tới thăm, và họ giúp một số tiền.
+ Tên của ông là Bùi Kiến Thành là do ông nội đặt nảy từ câu “Kiến thánh thành Phật” trong Kinh pháp bảo đàn của Lục tổ Huệ Năng. Và sau này vài chục năm ở nước ngoài, đầu những năm 1990 khi trở về Việt Nam định cư, người chú họ của ông – thi sĩ Bùi Giáng đã tặng bài thơ có câu “Khuếch trương sự thế cuối cùng. Niềm đau vô tận mịt mùng vô biên. Bùi sau sau rất diện tiền. Niềm vui hồi phục nguyên huyền ban sơ”. Đã đi qua gần một thế kỷ đất nước và thế giới đầy biến động, nay nhìn lại bản thân và nhất là tâm của mình, ông thấy cái “kiến tánh” của mình “phục nguyên huyền ban sơ” thế nào? - Ngụ ý của chú Bùi Giáng chân tâm Phật thánh luôn trong con người mình, nó bị lu mờ nhiều vì thế sự thì cuối cùng mình trở lại chân tâm ban sơ ở trong “kiến tánh thành Phật”. Nếu không thấy chân tâm thì bị lưu lạc trong cõi ta bà. Mình kiến tánh nhận thấy được mình trở về chân tâm Phật tính, trở về nguồn. Lưu lạc đâu đâu thì cũng trở về cội nguồn đất nước, với Phật tính. Thành không phải thành công, thành đạt mà là thành Phật; nhưng chữ đó theo tôi cũng sai lạc vì người nào muốn tu thành Phật là sai vì Phật luôn trong mình, Phật tại tâm. Đó chỉ là sự trở về sự ban sơ, Phật tính của mình chứ không phải” thành”.
+ Hơn 100 năm trước sự kiện nhà ngoại giao Bùi Viện sang Mỹ bắc cầu ngoại giao, còn sau này, ông - Bùi Kiến Thành lại nối cầu quan hệ Việt Mỹ?Lịch sử có thể cho phép người ta chữa những sai lầm và cũng có nét tương đồng?
- Tôi đọc sách thấy vua Minh Mạng sai Bùi Viện đi tiếp cận quan hệ với Mỹ. Mình đi trước cả Thiên hoàng Minh Trị Nhật Bản, nhưng vì vận mệnh đất nước không thành công. Bùi Viện trở về thì triều đình không thực sự tiếp tục sự xây dựng quan hệ với Mỹ. Mình lại đi lạc trong đêm tối mịt mù từ chỗ mình không mở cửa tiếp nhận nước ngoài, rồi bị Pháp đô hộ. Nếu Bùi Viện thực hiện mở quan hệ với Mỹ thành công thì đất nước sẽ khác.
Đọc lịch sử thấy đất nước dưới chế độ này hay chế độ khác muốn phát triển phải có quan hệ với cường quốc. Dưới chế độ XHCN muốn xây dựng quan hệ với Mỹ thì mình phải hiểu lịch sử cận đại thế giới. Pháp, Đức, Anh sau chiến tranh thế giới thứ hai phát triển cũng nhờ Hoa Kỳ hay Nhật cũng vậy, đều nhờ thị trường Hoa Kỳ, kế tiếp là Đại Hàn, Đài Loan, Singapore. Việt Nam muốn phát triển phải quan hệ với Mỹ, ít nhất trong lĩnh vực kinh tế phải trở thành quan hệ đối tác toàn diện. Kinh tế quốc phòng giáo dục vững mạnh thì sẽ bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhà nước Việt Nam nhờ mình thì tôi sẵn sàng mở khóa – điều mà nhà nước XHCN không làm được thì tôi sẵn sàng vì tương lai đất nước, dân tộc: từ phát triển kinh tế tới phát triển nhà nước pháp quyền phát triển dân chủ và lần lần đi tới tự do hạnh phúc. Nhưng thiếu quan hệ với Mỹ thì khó cho Việt Nam vươn lên, cho xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Người nông dân cho hạt gạo cho mình ăn, vẫn khiến tôi nhớ tới họ làm ăn ngoài đồng chân lấm tay bùn. Từ trồng rau, trồng cải ở ngoại vi thành phố Hải Nội, họ ái rau, rửa rau, thồ vào phân phối cả thành phố. Khi mình ăn bát cơm thì thấy trên bàn ăn có hàng trăm hàng nghìn người lao động. Công đức đó mình không quên, vì họ không được xã hội ưu đãi, luôn luôn chân lấm tay bùn. Mình cố gắng trong phạm vi hoạt động, phát triển xã hội để người đang chịu thiệt thòi thay mình có cuộc sống yên vui.
+ Cảm ơn ông./.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Ở đây có Anh Khang, Hamlet Trương...

Mới tạt vào hội chợ sách, ra đụng vào chạm standee của không ít nhà sách, công ty sách - ở đây có Anh Khang, Hamlet Trương...
10 h đêm loa truyền thanh hội chợ gióng giả thông báo đóng cửa nhưng vẫn thấy một đám bạn đọc trẻ xếp hàng xin chữ ký của Anh Khang - tác giả của (vì chưa đọc, chỉ nhớ đại ý do đọc trên mạng, hình như: Người yêu cũ có người yêu mới, Buồn làm sao buông, Đường hai ngả chúng ta thành kẻ lạ, Đau làm sao níu, Cứu làm sao giữ...).
Liệu có quá lời khi cho rằng "ở đây có Anh Khang, Hamlet Trương" đã làm hội sách xôm tụ?!







Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Chùa Thuyền (Wat Yannawa) Bangkok một đi không trở lại

Được các thánh chia sẻ là tới bến BTS Saphan Taksin thì nên ghé chùa Thuyền (Wat Yannawa) vì chỉ cách 100 m, đúng là tiện (trước khi đi Tha Tien, Tha Chang thăm cung điện, Wat Pho, Wat Arun...) thì ghé, chứ một đi không trở lại! Vừa qua cổng chùa khá to, được tu sửa hay xây mới thì cũng đụng ngay cụm kiến trúc với tượng Phật rồi Quán Thế Âm Nam Hải bồ tát, một số thánh mẫu, thần tài, tượng Phật Di Lặc hình tướng Trung Quốc, đã nghi ngại bởi tín ngưỡng và Phật giáo màu sắc Trung Quốc lấn át trong cái vỏ là chùa Thái.
Chả khác gì chùa Tàu, chùa Việt. Mô Phật!
Khách được lùa vào góc mua sắm nữ trang
Bên mua bán, bên đeo chỉ tay, vẩy nước làm phúc
Trung tâm thương mại to đùng hơn cả chùa cổ
Dịch vụ cho chim bồ câu, cá ba sa, cá tra và phóng sinh thủy sản tại thủy đình chùa
Công trình xây mới mô phỏng con thuyền truyền thống Thái Lan to hơn chùa cổ (phía sau)
Bên trong chùa cổ chỉ có Phật tử địa phương lui tới cúng dường nhà sư
Một ngôi nhà bên tay phải to đùng ngã ngửa kiến trúc theo truyền thống Thái, tưởng là chùa, vì ở trước cửa có các biển đề tiếng Thái và nhất là tiếng Việt to vãi, đại loại: Thùng công đức, Ai mặc quần ngắn xin mời lấy Vãi trong tủ quấn lại...nhưng hóa ra không phải, đó là trung tâm thương mại Phật giáo, vì chỉ có một bàn thờ Phật giữa nhà, còn lại là tượng Phật, tượng nhà sư bằng đủ chất liệu, nhất là tượng sáp theo mốt bây giờ đặt trong tủ kính rải đầy Baht mệnh giá 20 - 50 - 100 cùng tủ đựng xá lợi (?) các sư. Chụp được vài tấm ảnh/hình thì nhân viên xua tay: no photo. Vừa lúc một đoàn khách Việt Nam tới theo tour (thấy họ toàn nói giọng miền Bắc nên đoán là từ miền Bắc tới, chứ khách miền Nam có đi tour thì cũng lõi đời BKK rồi, không bị chăn như vậy). Quả thật vì thấy một đoàn theo cờ Vietravel, đoàn sau theo cờ Hanoi Red tour. Ngay lập tức nhân viên lễ tân ở cửa tòa nhà tới tấp nói tiếng Việt: 20 Baht một lần thắp nến dâng Phật, dâng sư...và mua hoa cúng Phật. Người thì bảo là cha Thái, mẹ Việt ở đây đã lâu, nhưng một số tour guide VN và tour guide Thái bảo họ là người Việt qua đây làm công quả (?!). Sau khi được dẫn đi lòng vòng trong nhà thì một số khách được dẫn tới góc mua nữ trang, cạnh đó là một nhà sư Thái ngồi vẩy nước và đeo chỉ tay ban phúc.
Trước trung tâm thương mại là công trình mới mô phỏng thuyền truyền thống của Thái, hai đầu thuyền có chạm khắc biểu tượng Âm Dương của đạo Lão (Trung Quốc), trèo lên mới biết ở trên họ cũng bày tượng Phật và một số thánh thần theo tín ngưỡng, tôn giáo Trung Quốc và đương nhiên có hòm công đức và trước thuyền là tượng vua Thái Lan (mình cũng không đọc kỹ là vua Rama thứ mấy hay vua nào?) - nghĩ họ thật...khéo làm. Sau con thuyền to đùng án ngữ ấy mới là ngôi chùa cổ, xịn, nhưng đang xuống cấp chưa được tu sửa vì toàn bộ mái được bao bọc khung sắt và mái tôn bảo vệ. Mò vào trong chùa thì thấy một nhà sư trẻ đang ngồi ban phúc cho một số Phật tử địa phương tới cúng dường.
Có vẻ như đoàn khách Việt Nam không được dẫn hay không vào thăm chùa này (vì lúc đó mình đã tót ra bến sông trước chùa rồi), mà được dẫn thẳng ra bến sông nơi có thủy đình/thủy tạ (miền Nam gọi là nhà mát). Hai bên thủy đình có ảnh nhà vua và hoàng hậu Thái Lan hiện nay được phóng rất to lồng trong khung rất đẹp - lại phải công nhận họ rất khéo làm (tuy rằng hình ảnh vua, hoàng hậu và hoàng gia Thái Lan xuất hiện nhiều nơi ở BKK, nhưng với những công trình tâm linh mới xây dựng hay tu sửa, có tượng và ảnh vua, hoàng hậu to đùng án ngữ thì còn gì bằng). Đoàn được hướng dẫn mua bánh, thức ăn công nghiệp cho cá tra, cá ba sa và chim bồ câu ăn cũng như mua ốc, lươn...phóng sinh. Sau màn ấy là xuống thuyền thăm một số công trình lịch sử ở trung tâm BKK, như: Hoàng cung, chùa Phật Ngọc (Wat Phrakeo), chùa Phật nhập Niết Bàn (chùa Phật nằm/Wat Pho), chùa Bình Minh (Wat Arun). Mình lượn lại bên trong thì thấy một số công trình thờ tự nữa, do chư ni trông coi, nhưng không còn thuần chất Phật giáo Theravada (Nam Tông) của Thái, mà thấy cả Quán Âm Nam Hải bồ tát, tượng Ngọc Hoàng thượng đế, Quan Thánh, Bồ tát Di Lặc hình tướng Trung Quốc...Thôi, mình một đi không trở lại.
Tuy nhiên, nếu ai muốn có chỗ yên tĩnh để chụp ảnh và ngắm sông Chao Phraya (đoạn qua cầu Thaksin và bến tàu thủy Thanorn) thì có thể tới, vì vào chùa Thuyền miễn phí!