Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Giáo sư Trần Văn Khê: Người Việt Nam phải biết thương nghệ thuật của cha ông

Bài: Trần Thiện Tùng
Ảnh: Nguyễn Thị Thúy (Hội quán Các bà mẹ)
Bài đăng trên báo Nhân Dân cuối tháng 11 (tất nhiên có cắt đi một số đoạn do dung lượng trang báo có hạn)

Khi tôi tới tư gia – căn biệt thự ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM nơi mà chính quyền thành phố dành cho ông khi giáo sư chính thức trở về Việt Nam sinh sống, tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng việc tổ chức các buổi nói chuyện, biểu diễn âm nhạc dân tộc tại tư gia và nhiều nơi trên toàn quốc - thì vị giáo sư nổi tiếng đã ngoài 90 tuổi, tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn miệt mài vào mạng đọc tin tức, gửi email. Hỏi ông về vốn liếng âm nhạc dân tộc, ông bảo: tôi đã nói rất nhiều, viết cũng rất nhiều nhưng dường như không ai quan tâm, trong khi âm nhạc dân tộc đang chìm lần vào quên lãng, mà tôi chỉ là một con chim én, một con én thì đâu có làm nên mùa xuân.
+ Vậy đó có phải là điều đáng buồn cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay không thưa giáo sư?
- Đáng sợ, đáng lo chứ không chỉ đáng buồn! Tình hình đã như vậy rồi chứ không phải đơn giản! Thanh niên xa rời âm nhạc dân tộc, vì nhiều lẽ:
Do điều kiện lịch sử, nước Việt Nam bị Pháp đô hộ 100 năm, Pháp không cấm âm nhạc dân tộc nhưng đẩy lùi âm nhạc Việt Nam vào bóng tối, làm người dân nước mình quên âm nhạc dân tộc, học âm nhạc phương Tây.
 Do thời cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ mọi lực lượng đổ xô đánh giặc giữ nước, ít có người lo văn hóa, gần như bị đứt đoạn văn hóa dân tộc.
Do dân mình hãnh hiện học âm nhạc bác học phương Tây, cầm cây violon thì khoe, còn học đàn cò thì giấu diếm, đó là tâm lý mặc cảm của người Việt Nam coi cái gì của mình cũng thua người ta.
Sau khi thống nhất thì nặng về vấn đề kinh tế, trước hết chánh phủ phải lo cơm ăn áo mặc nên âm nhạc bị xao lãng, không ai muốn nghe, người học cổ nhạc bị ruồng rẻ. Nhạc mới thậm chí bậy bạ cũng được trả cả triệu đồng, còn nhạc dân tộc thì vài chục ngàn đồng. Không ai muốn học nhạc dân tộc để rồi bị nghèo.
Dân chúng mải lo làm ăn không giáo dục con cháu về thẩm mỹ âm nhạc dân tộc, cha mẹ cũng quên lãng, trong khi ngôi sao Đại Hàn đến thì đổ xô đi đón rần rần, còn những CLB âm nhạc dân tộc làm chương trình rất công phu như CLB Tiếng Hát Quê Hương (TPHCM) phát 600 giấy mời nhưng chỉ có chừng 200 người tới.
Các đài truyền hình, phát thanh không phát âm nhạc dân tộc vào giờ thuận tiện cho dân chúng xem, các phương tiện truyền thông đại chúng góp phần làm hư dân chúng.
Chính quyền không chăm lo đời sống cho nghệ nhân âm nhạc dân tộc, như vừa qua chúng ta thấy nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu chết trong nghèo đói; trong khi đó những đất nước như Hàn Quốc thì coi những người làm nghệ thuật dân tộc như báu vật quốc gia.

+ Nhưng thưa giáo sư, có ý kiến cho rằng những nước có kinh tế phát triển như Hàn Quốc thì mới có điều kiện chăm sóc, đối đãi tốt?
- Đâu phải tại nghèo hay giàu! Giàu mà coi thường thì họ vẫn coi thường. Ấn Độ không phải giàu có nhưng vẫn tôn trọng âm nhạc dân tộc. Điều này là do tư duy! Mặt khác, trong đời sống xã hội hiện nay có nhiều thay đổi làm bất lợi cho âm nhạc dân tộc. Xưa chúng ta ru con “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” rót vào tiềm thức đứa con. Con thương cha mẹ nhưng cũng nhớ, cũng yêu văn hóa dân tộc. Nay mẹ không hát ru cho trẻ nhỏ nghe âm nhạc dân tộc thì khi lớn lên chúng sẽ không nhớ, không neo giữ âm nhạc dân tộc. Trẻ con nay ít được hát đồng dao như “tập tầm vông”. Trước đây, người dân hò hát cho quên mệt nhọc, họ tham gia và là chủ thể tạo nên âm nhạc dân tộc, còn nay thì thường để máy phát thanh thu sẵn, thụ động nghe.
Rồi những gia đình có điều kiện kinh tế ở thành phố thì cho con trẻ học trường Tây. Và còn do cách giáo dục trong nhà trường của chính chúng ta.

+ Với sự phát triển của xã hội như vậy thì sự thay đổi với cách nhìn nhận, đối xử, thưởng thức âm nhạc dân tộc cũng là điều tất yếu chăng?
- Nếu chỉ mất 1-2 yếu tố thì không sao, nhưng nay chúng ta đã mất hết, mất cả tư duy, tình yêu với âm nhạc dân tộc. Cần phải xem lại và lập lại tuần tự những điều đưa trẻ em đến gần Âm nhạc Dân tộc như lập lại tiếng hát ru, tổ chức những dàn hò khi làm việc, những buổi hát đối ca nam nữ trong lúc nghỉ ngơi.
Chính quyền nói văn hóa Việt Nam phải có tánh chất dân tộc khoa học đại chúng, nên sáng tác những điệu nhạc có tính đương đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc? Nói thì đúng nhưng dân chúng làm việc cực khổ mà chưa có đủ cơm ăn áo mặc, lấy đâu ra tiền mua đàn và trả học phí? Trong các Nhạc viện những sinh viên không có tiền mua đàn piano có thể luyện tập với những cây đàn chánh phủ mua cho, còn học đàn dân tộc sinh viên phải tự mua đàn lấy.

+ Tức là khi mình hô hào học nhạc dân tộc mình mà lại không đầu tư thì ai sẽ đầu tư cho mình đúng không thưa ông?
- Đúng rồi! Nhật Bổn là nước công nghiệp gấp 1000 lần Việt Nam, tiến bộ hơn rất nhiều nước phương Tây,  mà còn gìn giữ âm nhạc dân tộc, coi là quốc gia chi bảo. Nếu mình không có chính sách chính thức, không quan tâm thực sự âm nhạc dân tộc thì ai sẽ làm thay cho mình? Nếu thương yêu vốn cổ của cha ông thì phải tìm cách giữ lại, mô phỏng lại 1-2 nếp sống cũ. Có thể bà mẹ không còn ru như xưa thì nên có những chương trình hát ru để thay thế tiếng ru của bà mẹ, nhưng tâm sinh học cho thấy rằng trẻ nhỏ thường thích tiếng ru của người mẹ hơn những tiếng hát khác.
Chính quyền, báo chí cần tôn vinh những người làm âm nhạc dân tộc. Muốn làm lại âm nhạc dân tộc thì phải khuyến khích các giá trị dân tộc, khuyến khích hát ru, nam nữ hát đối đáp, mà việc đầu tiên chính quyền phải bỏ kinh phí đào tạo, người thầy cũng không được giấu nghề và học trò phải tầm sư học đạo. Học để hiểu, có hiểu thì mới thương, có thương thì mới tập luyện rồi mới biểu diễn thì âm nhạc dân tộc mới được hồi sinh, chứ nay thì tàn tạ lắm rồi.

+ Khi nào việc đào tạo người làm nghề âm nhạc dân tộc tạm ổn thì phải đào tạo thính giả âm nhạc dân tộc?
- Nhưng việc đào tạo âm nhạc dân tộc theo lối dạy phương Tây hiện nay không đem đến hiệu quả. Xưa cha ông chúng ta luyện tập cái tai và trí nhớ thì mới tạo nên nghệ sĩ. Nếu lo luyện tập con mắt và phản xạ thì chỉ tạo những người có kỹ thuật biểu diễn âm nhạc chứ chưa đi đến nghệ thuật.

+ Quay lại câu chuyện muôn thưở là “có thực mới vực được đạo”, thì với những người làm nghề âm nhạc dân tộc cũng có phải có tiền mới trang trải được cuộc sống đúng không thưa ông?
- Phải tạo điều kiện cho người nghệ nhân có cuộc sống vật chất tối thiểu khi hành nghề, đừng để những nghệ nhân mất thêm thời gian làm nghề tay trái kiếm sống, nhất là nghệ nhân nghèo thì chính quyền nên giúp đỡ. Giúp đỡ cụ thể thiết thực chứ không chỉ tặng danh hiệu NSND, nghệ nhân rồi thôi.

+ Nhắc lại chuyện cũ là nếu năm 1976, giáo sư không về nước, không gặp NSND ca trù Quách Thị Hồ ghi âm giọng hát của bà, rồi chuyển tới các cuộc thi âm nhạc dân tộc của nước ngoài và cho Unesco thì ca trù sẽ ra sao?
- Thì ca trù sẽ bị rơi vào quên lãng. Người Việt Nam thường không nhận ra vốn quí mình đang có, chỉ tới khi thế giới quan tâm tới một bộ môn nào đó thì mới…giật mình nhận ra giá trị của nó.

+ Giáo sư gặp nhiều nghệ nhân sống trong cảnh thanh bạch, nếu không muốn nói là nghèo khổ và gần đây câu chuyện về nghệ nhân Hà Thị Cầu mất trong nghèo túng, chắc khiến ông rất xót xa?
- Thương xót họ không đủ mà phải tranh đấu. Khi có dịp tôi luôn sẵn sàng giới thiệu chân giá trị khoa học và nghệ thuật của các bộ môn âm nhạc dân tộc. Chẳng hạn, khi gặp chính quyền tôi đề cập đến việc người làm ca trù không phải là phường bán phấn buôn hương mà là những người làm nghệ thuật dân tộc thực sự. Những chuyện tranh đấu này không phải chỉ làm trong một ngày một buổi mà phải nói, phải làm năm này tháng nọ, đến nay chánh quyền đã có cách nhìn tốt hơn về ca trù vậy cũng đáng mừng lắm rồi. Khi tôi ra Hà Nội năm 1976, kiếm tiếng trống chầu ca trù còn không có, đờn cũng đờn lén ở cả miền Bắc, nay ở nhiều nơi có thể nghe được ca trù.
Nhưng người Việt Nam phải biết thương nghệ thuật của cha ông, thương người làm nghệ thuật và hiểu rằng nghệ thuật đa dạng, chứ không phải chỉ nghệ thuật của mình là đúng. Người Việt Nam thường có tính đố kỵ, luôn cho mình là đúng, người khác thì chê bai chỉ trích.

+ Nhưng hiện nay chúng ta có một số loại hình nghệ thuật dân tộc được thế giới vinh danh với những danh hiệu này, danh hiệu khác thưa giáo sư?
- Chuyện đó là tốt nhưng đâu có phải đợi Unessco công nhận thì nó mới có giá trị mà đã có giá trị từ trước. Hơn nữa việc công nhận các danh hiệu của Unessco thì lại tùy thị hiếu trong ban giám khảo hàng năm. Chẳng hạn như gần đây là hát xoan, với quần áo màu sắc thì họ quý, còn đờn ca tài tử thì hồ sơ không hoành tráng nên chẳng ai để ý. Việc mình đưa ra thế giới để họ công nhận là tốt vì trước đây vốn không ai để ý thì nay được quan tâm. Nhưng vẫn là cái nhìn của người ngoài, chẳng lẽ chính bản thân dân tộc Việt Nam không biết quý trọng vốn liếng cha ông mình sao?

+ Giáo sư sinh trưởng trong gia đình có nhiều thế hệ hoạt động âm nhạc dân tộc và được làm quen với âm nhạc dân tộc từ năm 6 tuổi, nhưng khi trưởng thành thì ra Hà Nội học Y khoa, sau này lại quay về với âm nhạc dân tộc. Đó có phải là duyên tiền định?
- Không phải, vì tôi biết âm nhạc Việt Nam trước nhưng một thời trai trẻ có sai lầm, khi mình coi âm nhạc phương Tây thấy mới mẻ, thì phải học bắt chước. Tuy nhiên, mỗi âm nhạc có ngôn ngữ phù hợp với từng dân tộc ấy. Khi tôi bị đau, nằm ở nhà thương, tôi xoay 180 độ, về với âm nhạc dân tộc. Tôi chuộc tội với âm nhạc dân tộc bằng việc giới thiệu trên khắp thế giới và trong nước. Nhưng làm suốt đời chưa được thành công, 10 phần thì cũng mới chỉ được 5 – 6 phần thôi.

+ Ông đã về nước gần 10 năm nay và đã đóng góp được rất nhiều cho nền âm nhạc truyền thống cũng như văn hóa Việt Nam. Nhưng nay có một điều dù không nói ra mà ai cũng e ngại đó là tuổi tác của giáo sư ngày càng cao và nỗi lo về một khoảng trống của thế hệ kế cận. Đó có phải cũng là nỗi lo của ông hay không?
- Phải rồi! Người trong nước hiện nay có lẽ không nghĩ mình phải có bổn phận gìn giữ vốn quý của cha ông, mà vui gì thì làm nấy, chưa chú tâm và còn mặc cảm về nghệ thuật của tổ tiên.

+ Gần đây, một số người Việt Nam giàu có đã đầu tư cho văn hóa, các chương trình nghệ thuật. Đó có phải là một tín hiệu đáng mừng cho xu thế xã hội hóa ủng hộ nghệ thuật không?
- Nhưng tôi chưa thấy doanh nhân giúp nhiều cho âm nhạc dân tộc bao nhiêu trong khi mọi thứ giá trị của xã hội đang bị đảo lộn, thay đổi. Lập dàn nhạc dân tộc chỉ cần 10 triệu mà không ai cho, còn bóng đá thì chỉ cần đá vào gôn một quả là được thưởng tiền tỷ. Tôi cảm giác rằng âm nhạc, với họ không phải là nghệ thuật phụng sự mà là một món hàng người ta mua bán mà thôi.

+ Tôi cảm thấy sự ngậm ngùi, bất lực của người tâm huyết  trong giọng nói của giáo sư.
- Một con chim én không làm nên mùa xuân. Tâm huyết của 100 người trong xã hội không bằng một người có tâm trong chính quyền, vì quyền lực tiền bạc nằm trong tay sẽ thực hiện rất dễ dàng. Tôi cảm giác có những sự thật mà hiện nay nói ra không ích lợi gì, nhưng vẫn phải nói. Đó là cách dạy âm nhạc dân tộc hiện nay nhưng tôi đã nói nhiều, đâu có ai quan tâm. Vì bứt dây động rừng, không phải điều gì mình muốn, cứ tâm huyết cũng là được.

+ Vậy thì cái nếp nhà, giá trị văn hóa Việt Nam nay ra sao, thưa giáo sư?
- Nhiều nếp văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa ứng xử trong xã hội xuống cấp ghê gớm, nhất là trong gia đình xưa gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình thì nay không còn. Trong trường thì khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” không còn tôn ty trật tự. Ra ngoài đường thì không tôn trọng luật pháp. Một số bạn bè tôi trên thế giới tới Việt Nam đi qua đường ở Hà Nội, TPHCM không chết là may. Câu chuyện về giao thông cho ta thấy đó người Việt Nam thường tôn trọng sự tự do của mình mà không tôn trọng sự tự do của người khác.

+ Nếp nhà bị đảo lộn như vậy thì âm nhạc dân tộc cũng bị ảnh hưởng?
- Đó là chuyện tự nhiên, vì nó dính liền với nhau. Tư tưởng trọng đồng tiền đang ngự trị trong đời sống xã hội mà âm nhạc dân tộc hiện nay lại không đẻ ra tiền.

+ Vài năm trước, ngành văn hóa và ngành giáo dục đã bắt tay triển khai chương trình âm nhạc học đường, nhằm mang âm nhạc truyền thống vào trường học. Giáo sư có theo dõi không?
- Nhiều năm nay, tôi đã quan tâm đến chuyện nầy, nhưng cần phải xác định việc mang âm nhạc truyền thống vào học đường không phải là nhằm đào tạo học sinh biết đờn ca, ai cũng thành nghệ sĩ mà là sự hiểu biết, trân trọng vốn quí của dân tộc. Đấy là chưa kể học nhạc dân tộc thì học nhạc gì, ai dạy, dạy theo phương pháp nào?

+ Giáo sư thường ví mình là con chim én không làm nên mùa Xuân, chắc chắn cuối đời mình, đó vẫn là mối lo canh cánh lớn nhất của ông?
- Hồi nào tới giờ tôi vẫn vậy. Mình tìm hiểu cái hay, cái quý của cha ông để phổ biến. Nay thì tìm cách nói làm sao cho người ta nghe. Nói cho thế hệ trẻ nghe nhưng họ lại không có quyền mà người trong chính quyền lại chưa nghe. Tôi thường đi nói chuyện âm nhạc dân tộc hoặc tổ chức những buổi nói chuyện, biểu diễn âm nhạc Việt Nam tại nhà, nhưng có mấy người trong chính quyền tới nghe, tôi mới thấy có chừng mươi người quan tâm thực sự.
Tôi vẫn ưu tư, nhưng nay ưu tư nhiều hơn nữa, nhất là tuổi tôi đã cao, sắp ra đi mà chưa có gì đáng mừng.
+ Xin được chia sẻ với mối ưu tư lớn của giáo sư. Xin cảm ơn ông.

Thông tin

Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam; xuất thân trong một gia tộc mà cả bên nội lẫn bên ngoại đều có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và hoạt động âm nhạc nổi tiếng.
Ông sinh ngày 24 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp âm nhạc. Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó.
Trưởng thành, ông Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa, tham gia hoạt động Tổng hội Sinh viên cùng với những sinh viên yêu nước và tham gia phong trào "Truyền bá quốc ngữ" trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, "Truyền bá vệ sinh" của các sinh viên trường Y. Ông sang Pháp du học từ năm 1949 về âm nhạc, rồi làm luận án tiến sĩ về âm nhạc, văn học ở những trường đại học nổi tiếng như: Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris .
Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức.
Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét