Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Một cái ta biết đi, biết học, biết lớn khôn hơn (*)

Bài: Trần Thiện Tùng
Ảnh: Tùng Cường, tư liệu của nhân vật
Với hàng chục đầu sách nghiên cứu văn học, văn hóa, nhất là mảng văn hóa Nhật Bản, phụ trách khâu tổ chức nội dung, chọn lọc tác phẩm Tủ sách tinh hoa văn học của công ty sách Phương Nam và sáng tác truyện ngắn, tản văn; nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có nhiều điều kiện để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về văn hóa dân tộc trong mối tương quan với những nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Trong cuộc trò chuyện với Văn hóa Phật giáo Việt Nam kỳ này, ông chia sẻ về việc nhận diện, nhận chân những khả thể của văn hóa Việt Nam trong mối tương quan ấy.
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhìn lại để nhận chân những khả thể của mình, để tạo nên một cái ta mới
+ Thưa nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, trong nhiều tác phẩm của ông, bạn đọc luôn thấy nền văn hóa Nhật Bản có một vị trí quan trọng. Điều gì ở văn hóa Nhật Bản cuốn hút ông như vậy?
-Văn hóa Nhật Bản là một đặc thù. Khi nói đến vùng văn hóa da vàng thì Nhật Bản vừa đồng châu, đồng chủng và đồng văn với Việt Nam, nhưng lại có những nét riêng biệt nổi bật không thể lẫn vào đâu được. Lý do trước hết, đó là một đảo quốc chưa từng bị xâm lược, cho nên có được tự do, phát triển một cách hài hòa. Kế đó dân tộc Nhật Bản có tư tưởng học hỏi rất cao, khó ai bì được. Có thể kể thêm một yếu tố nữa là thiên nhiên Nhật Bản, tựa như một kho báu cực kỳ phong phú, dường như không có hiện tượng thiên nhiên nào trên thế giới mà lại không có ở Nhật Bản. Tất cả những điều trên tạo nên một Nhật Bản vừa độc đáo vừa đa sắc.
+ Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên luôn ảnh hưởng tới tính cách của dân tộc, cộng đồng người trên vùng lãnh thổ ấy. Nói tới thiên nhiên của Nhật Bản có ảnh hưởng quyết định tới tính cách, bản sắc Nhật Bản thì nhìn lại thiên nhiên của Việt Nam, ông thấy gì? Nhìn từ xa về có khiến mình nhìn rõ bản thân hơn không?
-Thiên nhiên Việt Nam cũng đa dạng nhưng không phong phú như Nhật Bản. Mặt khác, Việt Nam lại liên tục phải gánh chịu những cuộc chiến tranh xâm lược từ phương Bắc, khác xa với Nhật Bản.
Bất kỳ sự so sánh nào của mình với nền văn hóa khác trên thế giới thì cũng sẽ giúp nhìn lại mình để từ đó sẽ nhận chân những khả thể của mình, tức là những điều mình có thể làm, những hạn chế và cả những giấc mơ của mình. Triết gia lừng danh của Tây Ban Nha, ông Ortega cho rằng: “Ta là chính mình cộng với hoàn cảnh”. Những gì ta nói ở đây là thiên nhiên và văn hóa, đó chính là hoàn cảnh của ta. Vậy nếu muốn phát triển thì ta không cần nói đến những yếu tố chung quanh mà ta không có, chỉ với tương tác với những cái chung quanh thì ta mới có thể trở thành chính mình. Nếu mình nhìn người khác, rồi cũng đòi hỏi phải như họ, thì không được, mà phải dựa trên cơ sở cái mình có, với cái chung quanh (cái hoàn cảnh), vì thiên nhiên, đất nước, văn hóa mình như vậy, đâu cần phải giống Nhật Bản mà phải giống ta trước tiên, ta phải sử dụng chất liệu mà ta có trước đã. Nếu ta không có một văn hóa, thiên nhiên phong phú cao thì ta cũng nên tương tác với hoàn cảnh mà tạo nên một ta mới. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Tóm lại là sử dụng những chất liệu nằm trong tầm tay của mình, tận lực khai phá cánh đồng mà mình có thể canh tác.
+ Các cụ đã nói rằng: Đi một ngày đàng học một sàng khôn? Hình như trong lịch sử dân tộc, chúng ta cũng chưa có nhiều chuyến đi để học?
-Chữ đi này rất hay, rất có ý nghĩa! Thành thật mà nói văn hóa nông nghiệp của chúng ta từ xưa đưa đến một tập quán là ngại đi xa, có thể nói so với dân tộc khác thì dân tộc ta thiếu hẳn những nhà du hành, nhà thám hiểm tài năng, tâm huyết, thậm chí mạo hiểm. Có một thời ta chỉ quen “sống lặng trong làng nhỏ” như Hồ Dzếnh nói và do chịu nhiều cuộc xâm lược tàn bạo mà ta rất cảnh giác với cái gì đến từ xa cho dù nó mới mẻ tiến bộ. Giống như con chim sợ cành cong.

Tập quán là điều luôn phải được xem xét, phải thường xuyên tự nhận thức
+ Khi nghiên cứu về mối tương quan trong việc chịu ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa Trung Hoa của Việt Nam và Nhật Bản, giáo sư Vĩnh Sính ở trường đại học Alberta, Canada nhận định rằng: trong khi Việt Nam đối kháng xâm lược quân sự của Trung Quốc và chấp nhận khuôn mẫu văn hóa để không thua Trung Quốc, không khác Trung Quốc (việc mô phỏng khuôn mẫu văn hóa Trung Quốc không chỉ là chính sách văn hóa mà còn là biện pháp tự vệ tối cần thiết), thì Nhật Bản lại có hai khuynh hướng: kính nế hoặc phủ nhận văn hóa Trung Quốc. Trong lịch sử phát triển, Nhật Bản có hai thời kỳ chủ động cử hàng chục phái đoàn trí thức (mỗi phái đoàn có thể lên tới hàng trăm người) sang Trung Quốc thời Tùy – Đường và sang phương Tây, cuối thế kỷ 19 để học hỏi về nhiều mặt, trong khi đó thì Việt Nam lại dường như bị động? Ông nghĩ sao?
-Từ xưa, cái học của chúng ta dường như là ở cái thế bị học, ban đầu miễn cưỡng, sau ngộ nhận rằng cái bị học đó là cái mình thật sự cần và rồi cảm thấy không thiếu nó được, nên tìm cách thích ứng và cuối cùng yêu mến nó, thậm chí tôn thờ nó. Ví dụ như trường hợp Nho học, đã tôn thờ rồi thì làm sao còn nhận ra những tai hại của nó được. Điều đó có thể đưa đến tư tưởng Ngu Trung. Tư tưởng Ngu Trung được hiểu theo nghĩa rộng nhất là trung thành với cả những thứ không đáng trung thành. Cái đó tai hại vô cùng.
+ Có người nói điều này đã ám vào và nằm trong não trạng người Việt thì có quá không?
-Không phải! Vì tập quán là điều luôn phải được xem xét, phải thường xuyên tự nhận thức chứ không để cho nó giết chết mình. Ví dụ ta thường nói nghiện thuốc lá mà ít nói nghiện thứ khác – tuy nhiên có những cái nghiện nguy ngập hơn nghiện thuốc lá nhiều. Tôi cho rằng nghiện Nho giáo là một trường hợp như vậy. Vì Nho giáo là văn hóa chứ không phải là tôn giáo. Nghiện văn hóa độc tôn là nguy hiểm! Nghiện theo nghĩa rộng là một tập quán rất xấu về những thứ có khả năng gây mê cho cơ thể hoặc não trạng ta, mà cái gì khi đã thành tập quán thì không thể thấy nó xấu. Những người “nghiện” hay đánh tráo khái niệm theo kiểu: rất nhiều người không nghiện thuốc lá chết sớm, vậy thì có thể người nghiện thuốc lá lại khỏe mạnh, sống lâu. Những người nghiện một thứ văn hoá nào đó cũng vậy, họ thường cho rằng cái mà họ trung thành là tốt nhất, tốt hơn tất cả những loại văn hóa khác.
Tôi yêu thích văn hóa Nhật, nên có người cho rằng thậm chí tôi dường như chỉ biết có nó. Đây là lầm lẫn, vì trong công việc mỗi ngày của tôi như giảng dạy, nói chuyện, viết lách…thì tôi luôn luôn theo đuổi những đề tài khác nhau và hầu hết không liên quan gì tới Nhật Bản.

Đừng  tự xây tù ngục cho chính mình
+ Như ông đã nói là trước hết ta phải là chính ta, phải tìm về với bản thể, bản nguyên của ta trước, vậy thì hiện nay văn hóa Việt Nam cần gì, cần làm thế nào?
-Trước hết ta là chính ta, nhưng điều đó không có nghĩa ta tự xây tù ngục cho chính mình và hoàn toàn ngược lại là ta phải mở rộng ta, mở rộng chân trời của ta đến mức có thể được. Điều này xui ta liên tục học hỏi, biết cách tự chuyển hóa từ một cái ta lạc hậu đến một cái ta phóng mình về phía trước, một cái ta biết đi, biết học, biết lớn khôn hơn. Nói tóm lại là một cái ta trưởng thành, chứ không rơi vào thảm trạng mà Tản Đà từng nói: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
+ Nói tới sự học của người Việt thì chừng 100 năm trước, cụ Phan Chu Trinh từng nhận xét là: “Ngày xưa học Hán làm hủ Nho, ngày nay học Tây làm hủ Âu! Ôi! Có lẽ hình hài người mình đã bị cái học Tống Nho nhiễm sâu mà không chữa được sao”. Ông nghĩ sao trong tình hình hiện nay?
-Hủ Nho hay hủ Âu rồi còn hủ bao nhiêu thứ khác nữa, tất nhiên là thảm trạng rồi. Vấn đề là phải biết chuyển hóa bản thân mình thì không còn cái hủ nào có thể tồn tại. Khi không tự cầm tù, khi đã chuyển hóa thì còn không nghiện ngập gì. Chuyển là biến chuyển, hóa là hóa giải và hóa thành một thứ tốt hơn. Tất cả điều này phải dựa vào một giấc mơ đủ mạnh, đủ sinh lực, đủ tâm huyết.
+ Nhìn lại quá trình phát triển lịch sử dân tộc thì một số nhà nghiên cứu cho rằng, cha ông xưa như thời Lý Trần đã ngược dòng tìm về với bản thể văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đông Nam Á để giải Hoa  và sau này cũng có những công trình nghiên cứu gợi mở tìm về văn hóa Việt Nam với nền văn minh Đông Sơn, tiền Hán hóa. Đó có phải là hướng đi tìm về chính ta?
-Vấn đề đó đặt ra có mấy điểm sau: Thứ nhất là bản nguyên, thứ hai là hóa giải, thứ ba là khai tân.
Bản nguyên xác định cái gì là hoàn cảnh ta, ví dụ một trong những truyện cổ nổi bật về cái bản nguyên của người Việt là truyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Ở đấy, ta thấy không có dấu vết của Nho giáo, những tư tưởng tiến bộ của Tiên Dung – Chử Đồng Tử dường như đồng hành với chúng ta ngày hôm nay như: du hành, tự do kết hôn, mở cửa làm ăn buôn bán với nước ngoài, du học…cho thấy không phải cái gì nghìn xưa của ta cũng là lạc hậu. Qua câu chuyện trên ta thấy những yếu tố tiến bộ, phi thường đến không ngờ.
Thứ hai là hóa giải. Hóa giải là một tư tưởng luôn luôn vượt thoát khỏi những chân trời chật hẹp mà ta đôi khi cho là thiêng liêng như gia đình, làng xã, thậm chí cũng có thể nói tới “giải lãnh thổ hóa” như Deleuze đã nói. Lãnh thổ có thể hiểu theo nghĩa rộng là từ gia đình cho đến những tổ chức, những trào lưu, những phương diện mà mình đã trói buộc mình vào.
Thứ ba là khai tân. Khai tân hay duy tân, khai hóa là luôn luôn làm mới lại mình. Đó là “Nhật nhật tân” (mỗi ngày mỗi mới). Nếu không có tư tưởng này thì mọi sự học tập đều vô nghĩa, vì học là để biết cái mới. Đáng buồn là ở ngay bậc đại học ở Việt Nam hiện nay, người ta còn tranh cãi là dạy cái đã biết, cái ổn định, cái dễ hay dạy cái mới, cái khó. Đã là cái mới là không ngại khó, ngại lạ.
Trong tư tưởng đó thay vì nói đến một cái nhìn đã quen thì ta nên nói đến một phối kiến, đó là một cái nhìn phối hợp từ nhiều góc nhìn vừa nhìn theo hoàn cảnh của mình, vừa tự đặt mình vào những cái nhìn khác để có thể phối hợp, nghĩa là phối cảnh hóa cái nhìn của mình. Chỉ như thế thì hoàn cảnh của ta mới không trói buộc ta, giấc mơ và chân trời của ta mới có thể mở rộng và thành tựu. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay chỉ có cái nhìn phối kiến mới thích hợp bởi vì ta luôn luôn là ta nhưng phải biết đồng hành với người khác.

Nhờ có Thiền, dân tộc ta mới có sức mạnh văn hóa
+ Tôi thấy một số nhận định rằng, trong truyền thống, xét về bản thể tư duy của người Việt và những tư tưởng từ nơi khác tới như: Phật, Nho, Lão…thì chỉ có Phật pháp mới hóa giải được điều đó với cái nhìn trí tuệ Bát Nhã. Ông nghĩ sao?
-Phật giáo đã đồng hành với dân tộc từ lâu. Một trong những tư tưởng phổ biến nhất, thâm sâu nhất của Phật giáo là giải thoát, tức là giải thoát ta khỏi mọi thứ, kể cả chính ta. Một cái ta chưa hiểu biết tức là chưa trưởng thành, chưa giác ngộ thì tất nhiên cần được giải. Đó là giải Ngã, bởi thế mới nói vô ngã.
+Quay trở lại lĩnh vực nghiên cứu Nhật Bản của ông. Nói tới bản sắc văn hóa Nhật Bản thì không thể tách rời Thiền tông. Nghiên cứu về Thiền Tông giúp ông thế nào khi nhìn về văn hóa Phật giáo Việt Nam?
-Thực ra mà nói Thiền là sáng tạo chung của Ấn Độ và Đông Á. Không có kinh Phật của Ấn Độ và tư tưởng Lão – Trang của Trung Hoa thì không có Thiền tông. Nhưng ngày nay khi nói tới Thiền thì thế giới chủ yếu dùng chữ Zen phiên âm theo tiếng Nhật, vì vậy có thể nói Nhật Bản đã thành công như thế nào trong văn hóa với tư tưởng Thiền Tông. Ở ta thì Thiền cũng là nét đẹp của văn hóa dân tộc, đặc biệt với dòng thiền Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính nhờ có Thiền mà dân tộc ta mới có sức mạnh văn hóa để đối đầu với cuộc xâm lăng trường kỳ của phương Bắc.
 
ảnh: Tùng Cường

Nguyễn Du tiêu biểu cho sức lực và bi kịch văn hóa dân tộc
+ Nói tới tư duy, tinh hoa văn hóa của một dân tộc thì phải nhắc tới gương mặt trí thức, đặc biệt là những đại trí thức. Ở Việt Nam thì dường như đại thi hào Nguyễn Du là người tạo được cảm xúc liên tài nơi ông?
-Nguyễn Du là trường hợp tiêu biểu cho thấy cái sinh lực cũng như bi kịch của văn hóa dân tộc.
Thứ nhất là sinh lực, với truyện Kiều và Văn chiêu hồn Nguyễn Du đã tạo nên một sinh lực văn hóa phi thường. Không biết điều gì sẽ xảy ra cho tiếng Việt nếu không có hai tác phẩm trên. Không chỉ là thiên tài về ngôn từ để làm cho tiếng Việt trở nên uyển chuyển và sang trọng mà Nguyễn Du còn có khả năng thể hiện mọi nỗi niềm từ hạnh phúc đến đớn đau, từ giấc mơ đến thực tại của chúng ta. Có câu nào diễn tả được số phận dân tộc cho bằng : “Hết nạn nọ đến nạn kia”, “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, “Hoa tàn mà lại thêm tươi. Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”…Trong mỗi chặng đường ta đi đều có một câu Kiều nào đó đi cùng. Mỗi lúc mình rơi vào một hoàn cảnh nào đó thì đều có thể nảy ra một câu Kiều.
Nhưng cuộc đời Nguyễn Du cũng là một bi kịch. Ông không thể thể hiện mình một cách trọn vẹn nhất dưới bất kỳ triều đại nào. Trong khi đó chúng ta biết rằng nhiều nhà trí thức khác trên thế giới đã có thể phát triển tột bực trong triều đại của họ, ví dụ như thời Phục Hưng ở phương Tây.
+ Nhân nói tới đại thi hào Nguyễn Du thì tôi lại nhớ tới 3 gương mặt đại trí thức cùng thời kỳ, là Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du. Hầu như họ là những “người bay không có đường chân trời”, bởi kể cả nhà bác học Lê Quý Đôn lên tột đỉnh quyền uy thì cũng chỉ là bồi tụng, mọi chiến lược, quyết sách phát triển của ông cũng đều bị chúa Trịnh và tham tụng ách lại.
-Hầu hết trí thức Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du đều không thể phát triển khả tính của mình, là bởi vì các triều đình không bao giờ thể hiện cái tư tưởng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tóm lại Nguyễn Du là tiêu biểu cho hoàn cảnh của trí thức Việt Nam. Sau này có Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, rồi rất nhiều trí thức Việt Nam khác rơi vào bi kịch.
+ Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du đều là những nhà Nho uyên thâm, nhưng cuối đời lại tìm về với Phật. Thậm chí Ngô Thì Nhậm còn được coi là tổ thứ 4 của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, còn Nguyễn Du từng than đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lần không thấu, tới khi đứng trước chân đài phân kinh” của Thái tử Lương Chiêu Minh thì mới bừng tỉnh. Nếu hiểu theo lẽ thông thường thì Phật giáo là cái phao giúp họ bám giữ trong biển đời trần ai, giông bão, nhưng tôi nghĩ phải chăng chính Phật giáo mới giúp họ nhìn rõ thực tướng cuộc đời?
-Phật giáo là một tư tưởng của tự do. Đây là điều rất khó nói với triết học khác và với nhiều tôn giáo khác, mà theo tôi trí thức cũng là tri thức của tự do. Do đó, trí thức và Phật giáo thường gặp nhau, ví dụ Einstein và Phật giáo.
+ Vậy với một nhà nghiên cứu Đông Phương học, nhất là Thiền học qua văn chương như ông, tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng như thế nào?
-Trước tiên, tôi không phải là tín đồ của một tôn giáo nào hết, nhưng tư tưởng Phật giáo theo tôi trọn đời vì đơn giản Phật giáo không đặt vấn đề quy phục, phục tùng mà luôn luôn hướng tới tư tưởng giải thoát và cho rằng mỗi người chính là ánh lửa cho chính mình. Điều này phù hợp với cách tôi nghĩ và sống.
+Và trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”như nhiều người thường nói, thì Phật giáo có giúp ông nhìn những điều ấy như là những nhân quả trùng trùng duyên khởi?
-Tư tưởng Phật giáo đưa đến sự cảm biết về cuộc sống quanh ta và sự cảm biết đó giúp chúng ta vượt lên hoàn cảnh tồi tệ để sáng tạo một hoàn cảnh mới đầy ánh lửa của tri thức.
+ Cảm ơn ông.
(*) Nhân vật tâm đắc với bài phỏng vấn này, và khi biết tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam không có website, facebook thì đề xuất với tác giả là nên đăng trên FB hay blog của mình để chia sẻ với những người quan tâm, tri âm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét